Bậc thang đá trong rừng
Vào đầu những năm 1970, một nhóm tìm kiếm cổ vật Columbia đã phát hiện đường đá chạy sâu vào trong rừng thẳm. Sau 1.200 bậc thang, họ phát hiện thành phố cổ lâu đời nằm tĩnh lặng. Các cổ vật bao gồm tượng vàng, chuỗi hạt bị tuồn ra chợ đen và bắt đầu thu hút sự chú ý của giới khảo cổ về nguồn gốc của chúng.
Mất không lâu để cơ quan điều tra tìm ra con đường mòn của những kẻ buôn lậu. Khu vực được mệnh danh là “Địa ngục xanh” khá gập ghềnh và hiểm trở y như tên gọi, tọa trong rừng nhiệt đới sâu hun hút, đất đá trơn trượt do mưa thường xuyên và vô số loài côn trùng độc. Đến năm 1975, giới học giả bắt đầu phát lộ quy mô lớn và đặt tên vùng đất này là “Ciudad Perdida”, có nghĩa là “Thành phố đã mất”.
Các nhà khảo cổ không tin vào mắt mình khi thấy thành phố quy mô lớn từ 2.000-8.000 dân. Đây được coi là một trong những phát hiện quan trọng nhất thế kỷ.
Có lẽ điều thú vị nhất về Ciudad Perdida là nó được xây dựng trước Machu Pichu tới 650 năm, tức khoảng 800 TCN. Dù chưa được khai quật hoàn toàn, một khu vực nhỏ của Ciudad Perdida cũng đủ thể hiện khả năng xây dựng và tư duy kiến trúc tuyệt vời nhất là ở vùng núi cao hơn mực nước biển 1.600 m, với hàng loạt hệ thống cầu và kênh thoát nước vẫn đứng vững trước thời gian.
Thành phố được cho là kinh đô của Vương quốc Tairona, phủ khắp tỉnh Sierra Nevada và khu vực phía bắc Colombia. Người dân đã an cư lập nghiệp ở đây từ khi xây dựng cho tới lúc phải ra đi để tránh lính thực dân Tây Ban Nha hiếu chiến hồi cuối thế kỷ 16, và càng ngày càng lùi sâu vào miền Bắc suốt thế kỷ 17-18.
Tuy có cái tên như vậy, Ciudad Perdida chưa hề “mất”, ít nhất là với hậu duệ người Tairona vẫn đang sinh sống quanh vùng. Họ là các sắc tộc Wiwa, Kogi, Arhuaco và Kankuamo. Tuy tổ tiên đã rời đi cả hàng thế kỷ trước, họ chưa hề quên quê gốc. Lúc thông tin thành phố được phát hiện lan ra, những trưởng tộc chẳng hể ngạc nhiên. Thực tế, họ vẫn tiếp tục quay lại Ciudad Perdida, nhưng rất cố gắng giữ bí mật không để địa điểm thành phố lọt ra ngoài để hạn chế việc bị trộm như trước đó.
Sau một thời gian đóng cửa vì nhiều vụ bắt cóc du khách nước ngoài xảy ra giữa cuộc nội chiến hồi đầu thế kỷ 21, Ciudad Perdida đang chào đón khách du lịch trở lại. Tuy nhiên tới thăm Ciudad Perdida không hề dễ dàng. Không phải tự nhiên mà tour thăm thành phố lại được coi là chuyến hành trình vĩ đại. Du khách dễ dàng tới Machu Pichu, còn để tới Thành phố đã mất, họ phải đi đường bộ dài 44km qua “địa ngục Xanh” xuyên con đường mà những người khám phá đầu tiên đã trải qua.
Địa hình hiểm trở này cũng giúp bảo vệ hậu duệ tộc Tairona, những người tin rằng Sierra Nevada là trung tâm của vũ trụ, rằng họ là “anh lớn” có trách nhiệm dìu dắt người ngoài là các “em nhỏ” khỏi việc tàn phá cân bằng thiên nhiên. Bất chấp hiện đại hóa ở mọi nơi, Sierra Nevada là một trong những khu vực sống thân thiện với môi trường nhất vì ý thức bảo vệ hành tinh của họ.
Abel (giữa) và Miguel, thành viên bộ tộc Wiwa làm hướng dẫn viên cho công ty du lịch duy nhất do bộ lạc sở hữu
Những bộ lạc này cũng muốn các “em nhỏ” thấu hiểu, tôn trọng văn hóa của mình và “cách duy nhất để thực hiện mong muốn đó là cho mọi người trải nghiệm tai nghe mắt thấy”, Miguel, cậu hướng dẫn viên người Wiwa có ông tổ từng sống tại Ciudad Perdida giải thích.
Miguel dẫn du khách vào rừng
Tàn tích còn sót lại