Tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Scorpion.
Theo National Interest, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Scorpion được điều đi làm nhiệm vụ tuần tra, trinh sát trong giai đoạn đầu năm 1968. Đến tháng 5, gia đình và người thân thủy thủ mòn mỏi chờ đợi tàu ngầm trở về sau 3 tháng ra khơi.
Hải quân Mỹ khi đó nhận ra rằng USS Scorpion mất tích. Đây là một trong những tai nạn tàu ngầm bí ẩn nhất lịch sử và thậm chí vẫn còn là chủ đề tranh cãi ngày nay.
Tàu ngầm gặp vô số trục trặc
USS Scorpion thuộc lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân Skipjack, là tàu ngầm Mỹ đầu tiên chế tạo sau Thế chiến 2 với thiết kế mới, bề ngoài trông giống như giọt nước khổng lồ. Tàu hạ thủy tháng 8.1958 và biên chế vào hải quân Mỹ vào tháng 7.1960.
Tàu ngầm lớp Skipjack nhỏ hơn các tàu ngầm hạt nhân ngày nay, với lượng giãn nước chỉ 3.075 tấn, dài 76 mét và rộng 9,4 mét. Tàu có 99 người, bao gồm 12 sĩ quan và 77 thủy thủ. Đây là lớp tàu ngầm đầu tiên sử dụng lò phản ứng hạt nhân Westinghouse S5W, đạt tốc độ 15 hải lý/giờ và 33 hải lý/giờ khi lặn.
Vũ khí chính trên tàu ngầm Skipjack là ngư lôi Mk-37, với hệ thống radar chủ động gắn riêng trong ngư lôi. Mk-37 có thể phát hiện chính xác mục tiêu trong phạm vi 9 km, tốc độ 26 hải lý/giờ và trang bị đầu đạn 150 kg chứa đầy thuốc nổ HBX-3.
Tàu ngầm USS Scorpion trong lễ hạ thủy.
Tàu ngầm Scorpion chỉ mới hoạt động trong 8 năm cho đến khi vĩnh viễn không quay trở về và vẫn còn tương đối mới theo tiêu chuẩn hiện đại. Tuy vậy, thủy thủ đoàn nhiều lần phàn nàn rằng tàu ngầm ngày càng gặp nhiều trục trặc.
Báo cáo năm 1998 tại Viện hải quân Mỹ cho biết, tàu ngầm Scorpion có 109 vấn đề trong lần điều động cuối cùng. Tàu ngầm gặp trục trặc với hệ thống thủy lực, hệ thống khẩn cấp và van ngắt nước biển khẩn cấp. Ngay khi khởi động chuyến tuần tra cuối cùng, tàu ngầm rỏ rỉ 1.500 lít dầu
Hai tháng trước khi gặp sự cố, hạm trưởng tàu Scorpion, chỉ huy Francis Atwood Slattery soạn thảo yêu cầu khẩn cấp, cảnh báo nâng cấp thân tàu, vốn “đang trong tình trạng tồi tệ”. Những rò rỉ liên quan khiến tàu ngầm Scorpion chỉ lặn sâu được 91 mét, bằng một nửa số với con số thực tế.
Hoạt động tối mật
Sau ba tháng hoạt động tại biển Địa Trung Hải cùng hạm đội 6 của Mỹ, tháng 5.1968, tàu Scorpion được điều động trở lại căn cứ tại Norfolk.
Khoảng nửa đêm ngày 17.5.1968, USS Scorpion nổi lên mặt nước tại căn cứ tàu ngầm của Mỹ đặt tại Rota, Tây Ban Nha để trả hai người lên đất liền vì lý do sức khỏe. Và đó cũng là lần cuối cùng người ta nhìn thấy tàu ngầm này.
Theo các tài liệu giải mật, ngày 20.5, chỉ huy hạm đội tàu ngầm Đại Tây Dương của hải quân Mỹ ra lệnh cho USS Scorpion, vốn đang chuẩn bị trở về căn cứ, chuyển hướng theo dõi đội tàu Liên Xô gần quần đảo Canary, ngoài khơi phía tây bắc châu Phi.
USS Scorpion một tháng trước khi vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển sâu.
Lực lượng Liên Xô có mặt tại khu vực bao gồm một tàu ngầm hạt nhân lớp Echo-II, tàu cứu hộ tàu ngầm, hai tàu khảo sát thủy văn, một tàu khu trục và một tàu chở dầu được cho là đang đo đạc, theo dõi dấu hiệu của tàu nổi và tàu ngầm NATO.
Một ngày sau đó, tàu Scorpion báo cáo qua radio, thông báo vị trí, dự kiến trở về Norfolk vào ngày 27.5. Bản báo cáo nói không phát hiện thấy điều gì bất thường.
Không thấy tàu ngầm quay trở về, hải quân Mỹ nhận ra rằng có điều gì đó bất thường. Thiết bị do thám dưới nước, vốn được sử dụng để phát hiện tàu ngầm Liên Xô đã phát hiện ra tiếng nổ lớn dưới biển.
Hơn 5 tháng sau, xác của con tàu ngầm USS Scorpion được người ta phát hiện dưới đáy Đại Tây Dương, nằm sâu dưới mặt nước tới 3.000 mét. Toàn bộ 99 thủy thủ trên tàu đều thiệt mạng.
Tai nạn bí ẩn
Báo cáo của hải quân Mỹ đã đặt ra nhiều giả thuyết lý giải nguyên nhân tàu ngầm Scorpion gặp nạn nhưng tất cả đều thiếu bằng chứng xác thực.
USS Scorpion trong bức ảnh chụp năm 1960.
Giả thuyết được đại đa số chấp nhận đó là tàu ngầm Scorpion trở thành nạn nhân của chính ngư lôi Mk-37. Ngư lôi có thể đã bất ngờ được kích hoạt khi vẫn đang nằm trong ống phóng. Không giống như các loại ngư lôi thông thường khác, Mk-37 cần phải được kích hoạt sau khi phóng ra ngoài để ngăn tàu ngầm đối phương có thể sớm phát hiện.
Điều này là có cơ sở bởi tàu ngầm khi đó đang di chuyển ngược chiều 180 độ để kích hoạt chế độ an toàn, làm nguội lại ngư lôi trong ống phóng.
Ngoài ra, tàu ngầm Mỹ cũng có thể đã đụng độ với tàu ngầm Liên Xô và bị đánh chìm. Năm 1968 trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh cũng là thời điểm có nhiều tàu ngầm gặp nạn nhất. Ngoài tàu ngầm Mỹ còn có tàu ngầm Dakar Israel, tàu ngầm Pháp Minerve và tàu ngầm Liên Xô K-129.
Những người tin vào thuyết âm mưu cho rằng, Chiến tranh Lạnh đã làm nóng khu vực dưới mặt nước, dẫn đến cuộc chiến bí mật giữa các tàu ngầm. Trên thực tế, không có bằng chứng nào lý giải vì sao lực lượng Liên Xô chỉ với một tàu ngầm và tàu khu trục lại dễ dàng đánh chìm tàu ngầm Scorpion đơn giản như vậy.
Cho đến ngày nay, có lẽ không có cách giải thích thuyết phục nào cho thảm kịch tàu ngầm hạt nhân USS Scorpion. Đây cũng là tàu ngầm cuối cùng của Mỹ nằm lại dưới đáy đại dương.