Dân Việt

Bộ trưởng GD-ĐT: Điều giáo viên đi tiếp khách là chuyện đáng tiếc

Diệu Thu 16/11/2016 15:58 GMT+7
“Cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Cho nên đây là một hoạt động rất đáng tiếc”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

img

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Ngày 16/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về vụ điều nữ giáo viên đi tiếp khách ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) chất vấn: “Vụ việc hàng chục giáo viên bị huy động đi tiếp khách ở một trường học tại Hà Tĩnh gây bức xúc dư luận thời gian qua, đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng điều giáo viên đi làm "tiếp viên" như vậy?”

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: "Vụ việc này tôi đã có ý kiến. Tôi đã có trao đổi với đồng chí Chủ tịch. Tôi đánh giá rất cao đồng chí Chủ tịch đã có công văn yêu cầu báo cáo. Đây là vụ việc không chỉ ở một trường của Hà Tĩnh, mà trong thực tế cũng có nhiều trường hợp".

“Cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Cho nên đây là một hoạt động rất đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ rằng cần rút kinh nghiệm bởi vì để xã hội nóng lên về vấn đề này thì rõ ràng không được. Linh hoạt trong chừng mực chứ linh hoạt để nóng lên là không được”, ông Nhạ nói thêm.                       

Cũng theo ông Nhạ, trong trường hợp này ông cũng nhận trách nhiệm với người đứng đầu ngành bảo vệ quyền lợi hợp pháp thầy cô, ông cũng chủ động để làm việc với lãnh đạo địa phương và các Sở để có biện pháp nhẹ nhàng, hiệu quả.

Không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng GD-ĐT, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) giơ bảng sử dụng quyền tranh luận.

“Mặc dù Bộ trưởng nhận trách nhiệm nhưng lại dùng từ “chỉ vui vẻ thôi”, thì với góc độ về giới, đặc biệt tôi là một nữ đại biểu, tôi không biết bộ trưởng có đau lòng hay không. Nhưng sau sự việc như vậy, tôi thấy thực sự đau lòng và tôi tin rằng với đặc thù của ngành giáo dục và Bộ trưởng là người có vai trò chỉ đạo, định hướng vì sự tiến bộ của phụ nữ của ngành, thì tôi chắc chắn rằng Bộ trưởng sẽ đứng ở một vị thế khác, tâm thế khác để nhận định cũng như có giải pháp tiếp theo để giữ được sự tôn nghiêm của ngành giáo; bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ giáo viên”, đại biểu Phạm Minh Hiền nói.

Tiếp theo, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng tranh luận: Bộ trưởng nói việc mà người ta cưỡng ép giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh đi tiếp khách như vậy, Bộ trưởng nói bảo vệ quyền lợi giáo viên, nhưng nó lại trái ngược với phát ngôn của Bộ trưởng với báo chí trước đó, khi Bộ trưởng cho rằng trước tiên “phải xem lại các giáo viên đó”.

“Tôi nghĩ rằng chắc chắn giáo viên đau lòng với câu nói đó của Bộ trưởng. Và nếu Bộ trưởng chịu khó đọc comment của các bài viết về câu nói của Bộ trưởng, Bộ trưởng sẽ thấy người ta đánh giá về Bộ trưởng như thế nào”, ông Vân nói.

Tiếp tục trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích thêm việc các địa phương điều động giáo viên làm những việc không phù hợp, ảnh hưởng đến thời gian của giáo viên là không được. “Quan điểm này đã được tôi thể hiện trong công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh”.

“Tuy nhiên, trong diễn đạt có thể chưa rõ ý về việc "vui vẻ". Trong khi trao đổi với địa phương, họ có viện dẫn lý do đó là hoạt động đối ngoại, vui vẻ. Có lẽ diễn đạt không rõ ý, mong đại biểu thông cảm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.