Hết ngày mai (10.1), hàng nghìn hiệu vàng nhỏ lẻ, nhất là ở khu vực nông thôn sẽ bị cấm mua bán vàng miếng vì không đủ điều kiện kinh doanh, để "nhường sân" cho khoảng 14 doanh nghiệp và 17 tổ chức tín dụng, với hơn 2.400 chi nhánh được cấp phép lại để kinh doanh vàng miếng.
Theo số liệu của NHNN, 14 công ty vàng được cấp phép mua bán vàng miếng thì 9 công ty có trụ sở ở TP.HCM, 2 công ty vàng có trụ sở ở Hà Nội nhưng có chi nhánh ở TP.HCM là DOJI và Bảo Tín Minh Châu, 3 công ty khác kinh doanh tại các tỉnh.
Mặc dù trong danh sách cấp phép của NHNN có tên tuổi nhiều đơn vị quen thuộc với người tiêu dùng như Công ty SJC, Công ty PNJ, Bảo Tín Minh Châu, DOJI... nhưng cũng có không ít đơn vị chưa được người tiêu dùng biết mặt, biết tên.
Theo ghi nhận của Dân Việt, sáng 9.1, tại nhiều cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ, lẻ trên đường Cầu Giấy, không khi mua bán vàng gần như đóng băng, nếu có giao dịch thì chỉ tập trung với vàng trang sức. Một chủ cửa hàng vàng bạc trên phố Đê La Thành cho biết: Sắp tới chắc chắn những cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ sẽ khó thu hút được lựa chọn của người tiêu dùng vì họ sẽ chỉ chọn những cửa hàng kinh doanh lớn. Vì thế nên cửa hàng nhỏ lẻ muốn kinh doanh ổn định sẽ phải tìm cách “lách luật”.
Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng lại hoang mang bởi không biết phân biệt đâu là cửa hàng được cấp phép, đâu không phải. “Giờ muốn mua vàng, bán vàng chưa biết mua ở đâu, bán ở đâu. Trước là câu chuyện thương hiệu vàng, nay lại đến thương hiệu cửa hàng, càng ngày người tiêu dùng càng gặp khó”, bà Kim Lan (116 Thanh Xuân) cho biết.
Không ít ý kiến lo ngại rất dễ xảy ra tình trạng mua bán vàng miếng trái phép hoặc ẩn giấu dưới nhiều hình thức tại các cửa hàng vàng chưa có phép vẫn tiếp diễn, thậm chí còn phát triển.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong bank) cho biết: Tất nhiên, số lượng các cửa hàng vàng bạc sẽ giảm đi từ hàng chục ngàn hiện nay xuống chỉ còn khoảng trên 2.000 cửa hàng, khi đó việc mua bán vàng miếng sẽ không còn quá thuận lợi và đơn giản như trước. Song bù lại, người dân sẽ được hưởng lợi từ việc mua bán vàng chuyên nghiệp và chính thống hơn. Người dân sẽ được đảm bảo về chất lượng vàng miếng chính hãng, giá cả được niêm yết công khai, tránh được tình trạng vàng giả, vàng nhái, không có tình trạng ép giá, đầu cơ, tạo khan hiếm giả tạo để trục lợi.
Tuy nhiên, một thực tế lại đặt ra là sau ngày 10.1, giao dịch vàng miếng nhiều khả năng cũng lại giống như tình trạng của giao dịch ngoại tệ, khi mà sau khi siết chặt quản lý thì chợ đen ngoại tệ vẫn hoạt động ung dung. “Chắc gì 100% các điểm giao dịch vàng miếng răm rắp dừng. 2400 cửa hàng thì không thể phục vụ cho nhu cầu nắm vàng, giữ vàng của 80 triệu dân được”, chị Hoàng Nga, chủ cửa hàng vàng Hoàng Nga (phố Khâm Thiên - Hà Nội ) nhận xét.
Rõ ràng, việc quản lý thị trường vàng đang cho thấy sự lúng túng. Trong khi không thể phủ nhận, thói quen tích lũy vàng của người dân Việt Nam vẫn khó thay đổi.
Chưa biết việc quản lý thị trường vàng sẽ ổn định ra sao trong thời gian tới, nhưng trước mắt sau ngày 10.1, người dân sẽ không có nhiều lựa chọn trong việc mua bán vàng, thậm chí rất dễ rơi vào tình trạng mua bán bất hợp pháp nếu không có điều kiện đến giao dịch tại những cửa hàng tên tuổi lớn.
Phương Hà