Thầy Nguyễn Trai ở thôn Thanh Lam Trung (xã Phú Đa, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế ) vẫn ngày đêm chống chọi với bệnh tật, đều đặn chống nạng lên bục giảng để dạy dỗ các em có hoàn cảnh khó khăn tại nhà riêng.
Lớp học của thầy Trai năm 1996.
Điều đáng nói, suốt 30 năm qua, công việc thầy làm đều thiện nguyện, không nhận thù lao, học trò tri ân thầy bằng bó rau, củ khoai hái được ngoài đồng. Nhiều phụ huynh đợi thầy dạy kèm xong một tháng thì tự nguyện đến phụ thầy cuốc đất vườn, làm cỏ hoặc sửa lại cái chuồng gà...
Được biết, thầy Trai bị teo cơ từ hồi học lớp 9, nhờ kiên trì luyện tập nên anh vượt qua được bệnh tật nhưng vẫn khó đến trường.
Hàng ngày, anh mượn sách cũ của bạn bè, người thân về tự học, tự mày mò tìm kiếm, với kiến thức góp nhặt, tích lũy được, anh đã mạnh dạn mở lớp dạy chữ cho trẻ em nghèo ở đây từ năm 1985 cho đến nay.
Lớp học của thầy Trai cũng khá đặc biệt, học sinh trình độ cũng chênh lệch nhau từ chưa biết gì cho đến thông thạo các phép tính cộng-trừ-nhân-chia. Sau khi được thầy bồi dưỡng kiến thức, nhiều em đã tham gia kỳ thi tuyển sinh của Trường Tiểu học Phú Đa và đủ điểm để xét vào các lớp từ 1 đến 5.
Những ngày đầu tháng 11.2016, chúng tôi ghé thăm khi thầy đang trở bệnh vì thời tiết thay đổi. Nằm trên giường, tay lân la con chuột vi tính, thầy cười lạc quan: “Nhà Phật có dạy ‘Đánh thắng một vạn quân không bằng thắng chính mình’, tui đã chiến thắng bệnh tật sống đến ngày ni là diễm phúc lắm rồi. Được thấy bọn trẻ trong làng, trong xã không còn mù chữ thì hạnh phúc hơn nữa”.
Hỏi, sắp đến ngày 20.11 rồi, niềm vui nhất của thầy trong ngày này những năm qua là gì? Thầy Trai trầm tĩnh nói: “Cứ đến ngày nớ là nhà tui đầy khoai do học trò tặng, có năm không ăn hết phải cho bớt bà con, hàng xóm. Mình hy vọng ở tương lai, các em không còn mải mê cuốc đất, lật cỏ để trồng khoai nữa, mà phải có một nghề nghiệp ổn định để thay đổi cuộc đời”.