Dự án “vẽ” như mơ
Những ngôi nhà tạm bợ trên bản vẽ tỷ đô.
Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế nằm ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, cách trung tâm TP. HCM 19 km về phía Tây Bắc. Cùng với các khu đô thị mới Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng... dự án này hứa hẹn sẽ góp phần thay đổi lớn bộ mặt kiến trúc đô thị TP.HCM trong tương lai.
Bên cạnh đó, khi được hình thành khu đô thị này sẽ giúp TP.HCM chuyển hướng phát triển kinh tế sang phía Bắc và các tỉnh lân cận, giáp ranh như Long An, Tây Ninh…
Theo đề án, mức đầu tư của dự án lên đến 3,5 tỷ USD trên tổng diện tích hơn 900ha. Dự án được chia thành 4 phân khu chức năng: giáo dục đại học, đô thị kế cận, trung tâm dịch vụ tổng hợp và khu công viên cây xanh, phúc lợi cộng đồng.
Tiến độ công trình vạch sẵn, chủ đầu tư sẽ triển khai xây dựng vào năm 2008 và hoàn thành vào năm 2018. Trong đó, trường Đại học Quốc tế (VIUT) sẽ bắt đầu khởi công xây dựng vào năm 2011 và hoàn thành năm 2021.
Theo bản trình thảo, dự án sẽ kết nối với khu đại học và đan xen trong kiến trúc đô thị như là một chỉ dẫn về sự phát triển và đổi mới trong tương lai. Đặc biệt, điểm nhấn chiến lược giữa mô hình học tập và tiện ích sinh hoạt cộng đồng.
Được biết, đây cũng là dự án thứ 4 được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong số 7 dự án bất động sản của tập đoàn Berjaya tại Việt Nam, sau Trung tâm Tài chính Việt Nam tại TP HCM, vốn đầu tư 930 triệu USD, Trung tâm Thành phố Biên Hòa ở Đồng Nai, vốn đầu tư 230 triệu USD và dự án thành phố mới Thạch Bàn, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.
Thảm họa khi sống trong khu quy hoạch treo
Ông Phát chia sẻ về những khó khăn khi sống trên dự án tỷ đô đắp chiếu.
Theo ghi nhận của PV, hiện tại nơi đây là 1 bãi đất trống khổng lồ hoang lạnh. Cỏ mọc um tùm. Đường xá nhỏ, xuống cấp trầm trọng. Trong khu vực có hơn chục ngôi nhà xập xệ, tạm bợ.
Khoảng 10 năm trước, khi dự án được chính quyền TP.HCM thông qua, nhiều người dân tại đây đã mơ về viễn cảnh tươi đẹp bởi môi trường hiện đại sẽ tác động tích cực đến cuộc sống xung quanh.
Nhìn vào ngôi nhà dựng tạm, ông Cao Văn Phát (53 tuổi) cho biết, lúc đầu tôi nghe dự án này vui lắm vì chắc được đền bù trong việc giải tỏa để đến nơi khác ở. Vậy mà cho đến hiện tại, công trình chưa rục rịch gì, cỏ lau, tràm mọc tràn lan. Đất đai thì chỉ canh tác lúa, các loại rau củ ngắn ngày chứ thứ khác thì không dám làm. Bởi nếu đầu tư dỡ dang thì khi dự án khởi công cũng đâu được đền bù.
Rơi vào cảnh tương tự, gia đình anh ông Nguyễn Văn Bánh (61 tuổi) chuyển đến vùng này từ năm 1993. Sau nhiều năm bỏ công sức khai phá, gia đình ông Bánh đã sở hữu hơn 5ha đất nông nghiệp. Thế nhưng từ năm 2008 khi dự án khu đô thị tỷ đô này được phê duyệt, thì cũng là lúc éo le khi đất đai sản xuất không được, bán không xong.
“Mấy năm nay gia đình tôi vẫn cố gắng bám trụ, đắp bờ trồng cây chờ đến khi nào dự án thực hiện thì nhận tiền đền bù trả đất lại cho nhà nước. Còn không thì cứ ở vậy, trồng mấy cái cây keo, cây bạch đàn lấy gỗ bán kiếm thêm, chứ giờ bỏ đất hoang thì không đành lòng”, ông Bánh nói.
Ngoài ra, người dân sống tại khu vực này đang đối diện với nhiều khó khăn không có nước sạch để xài, buôn lậu, đạo chích hoành hành, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi môi trường sống không an toàn.
Văn Phòng UBND. TPHCM cho biết đã yêu cầu Sở Kế hoạch – Đầu tư phối hợp cùng các đơn vị liên quan rà soát dự án thuộc khu đô thị Tây Bắc để tìm các phương án giải quyết đồng thời chỉ ra rõ nguyên nhân, năng lực của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, dựa trên những phân tích để đề xuất tiếp tục cho dự án triển khai hoặc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.