Dân Việt

Sự thật về siêu xe, biển giả, trốn thuế?

Trần Thủy 19/11/2016 12:11 GMT+7
Liên tục trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện ra không ít xe sang, siêu xe sử dụng giấy tờ giả, biển số giả để lưu hành. Điều khiến mọi người bất ngờ, bởi có không ít những đại gia, doanh nhân, người nổi tiếng trong giới giải trí.

 img

Xe sang triệu đô mang biển giả.

Xe siêu sang đeo biển giả

Mới đây, 16.11.2016, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Bình Dương đã tạm giữ 6 chiếc ô tô nhãn hiệu Lexus và Camry mang biển số giả. Trong đó có 2 chiếc Lexus đeo biển TP.Hồ Chí Minh, sử dụng giấy tờ và biển số giả, để tại bãi giữ xe của trung tâm thương mại Bình Dương Square. Làm việc với chủ xe, được biết mua hai chiếc xe này của một người đàn ông không rõ lai lịch tại TP. Hồ Chí Minh để đi lại. Ngoài ra, 4 xe Lexus, Camry sử dụng biển số giả, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của phương tiện.

Đầu 2016, lực lượng phòng, chống buôn lậu của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Bình Định đã bắt 6 xe ô tô Mercedes, Lexus, Toyota sử dụng giấy tờ giả.

Tất cả số xe này đều đeo biển TP. Hồ Chí Minh thuộc các dòng xe sang có giá trị lớn trên thị trường. Qua kiểm tra đã xác định được một số xe nhập lậu từ nước ngoài về và một số xe ngoại giao đã hết hạn lưu hành nhưng vẫn gắn biển số giả để tiếp tục sử dụng.

Mấy năm gần đây, hầu như năm nào cũng có các vụ xe sang bị phát hiện sử dụng giấy tờ giả, đeo biển số giả.

Tháng 10.2015, Công an Đà Nẵng kiểm tra xe ô tô Bentley mang biển kiểm soát Hà nội, chủ nhân không xuất trình được bất cứ giấy tờ xe và hồ sơ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Theo đánh giá, chiếc xe này có trị giá khoảng 6 tỷ đồng.

Tháng 4.2015, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cũng phát hiện, bắt giữ một nhóm đối tượng khi đang giao dịch mua bán giấy tờ ô tô giả tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Được biết, trong số xe bị thu giữ, có cả siêu xe Lamborghini đời 2008, với giá sau thuế khoảng 15 tỷ đồng. Chiếc xe này vốn có nguồn gốc của một Đại sứ quán, mang biển ngoại giao. Trước thời điểm bị bắt, chiếc xe thuộc sở hữu của một đại gia phố núi.

Năm 2013, chỉ riêng tại quận 7, TP HCM công an đã phát hiện và tạm giữ 13 ô tô gồm Lexus, Porsche, Mercedes-Benz, Hummer và cả siêu xe Bentley mang biển số giả.

Hiện tượng xe sang, sử dụng giấy tờ giả, biển số giả để lưu hành khiến mọi người bất ngờ, bởi có không ít những đại gia, doanh nhân thành đạt, người nổi tiếng trong giới giải trí…

Theo các cơ quan chức năng thì xe sử dụng giấy tờ giả và đeo biển giả xuất phát từ 2 nguồn chính là nhập lậu đưa về nước và xe ngoại giao được mua lại từ các nhân viên đại sứ quán, nhưng không làm thủ tục sang tên.

Đỡ tốn tiền, khó bị phát hiện?

Cũng theo các cơ quan chức năng, giấy tờ và biển số giả ngày càng được làm tinh vi nên rất khó phát hiện. Độ tinh vi của giấy tờ giả đến mức ngay cả khi cảnh sát giao thông kiểm tra, nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện. Chỉ bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra mới xác minh được.

Chiếc xe siêu sang Bentley bị bắt giữ tại quận 7, đã từng bị cảnh sát giao thông xử phạt vì chạy quá tốc độ, nhưng qua kiểm tra không phát hiện được giấy tờ và biển số xe giả.

Theo 1 DN nhập khẩu ô tô, với xe nhập lậu về Việt Nam thường là xe ăn cắp từ các nước châu Âu hay Mỹ được chuyển về. Những chiếc xe này đương nhiên là có nguồn gốc không rõ ràng và chỉ bán được cho những đường dây nhập lậu. Sau đó số xe này lại được "hợp thức" hóa bằng giấy tờ giả và biển giả. Nhiều chiếc xe còn rất mới và đẹp, giá chỉ có giá vài trăm triệu đồng.

Còn xe mua lại từ các nhân viên đại sứ quán nước ngoài, được nhập vào Việt Nam miễn thuế, có tờ khai hải quan. Theo quy định, khi bán lại phải làm thủ tục sang tên, đóng thuế thì mới được phép lưu hành. Nhưng một số "đại gia" Việt mua xong thấy, số tiền đóng thuế lớn quá, họ không muốn nộp, nên đã làm giấy tờ, biển số giả để "tiết kiệm chi phí".

Với xe sang nhập khẩu theo đường chính thức từ trước đến nay đều phải chịu mức thuế cao. Trước thời điểm 1.7.2016, ngoài thuế suất thuế nhập khẩu mức 70%, còn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 60%, với xe có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên. Từ 1.7.2016 áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới, xe có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên phải chịu các mức thuế từ 90%-150%, khiến giá càng bị đẩy lên cao. Đấy là chưa kể để lưu hành, người mua xe còn phải chịu thêm lệ phí trước bạ từ 10%-12% nữa.

img

Theo tính toán hiện nay, nếu nhập 1 chiếc xe sang có dung tích xi lanh từ 5.0L-6.0L, có giá 100.000 USD, về Việt Nam sẽ phải nộp số tiền thuế vào khoảng 350.000 USD, chưa kể lệ phí trước bạ. Với xe càng đắt tiền, dung tích xi lanh càng lớn, thì số tiền thuế phải nộp sẽ càng cao.

Với xe sang cũ, mức thuế phải chịu còn cao hơn, nên nhập về giá cao hơn cả xe sang mới. Đây là điều khiến một số đại gia người nổi tiếng chùn tay, không muốn mua xe sang theo con đường nhập khẩu chính thức. Trong khi đó, chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn USD cho 1 chiếc xe sang và thêm từ 15-20 triệu đồng là có ngay 1 bộ giấy đăng ký, biển số giả, đỡ tốn kém hơn nhiều.

Có ý kiến cho rằng, sao người ta lại dại thế, đã có tiền mua xe sang, mà đi làm giấy tờ giả, khi phát hiện, bị tịch thu thì thiệt đủ đường. Đúng là như vậy, nhưng khi muốn thể hiện đẳng cấp, mà không muốn chi nhiều tiền thì họ cũng liều. Khi lái những chiếc xe sang chạy ra ngoài đường, thậm chí chỉ cần để trong gara, cũng đủ khiến nhiều người nhìn thấy phải kính nể. Đã là đại gia, người thành đạt, nổi tiếng mà không có xe sang hay siêu sang đi kèm, thì chẳng có gì để nói.

Hơn nữa, xe sang, siêu sang về Việt Nam ngày càng nhiều, trà trộn vào, ai biết đấy là đâu, giấy tờ giả ngày càng tinh vi, nên yên tâm lớn khó bị phát hiện. Nếu chẳng may có bị phát hiện, thì nói là mua của người không quen, bị lừa, như vậy cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều, cùng lắm là mất xe, nhưng số tiền bỏ ra cũng không lớn, coi như là rủi ro.

Thực tế, chuyện sử dụng xe nhập lậu, không rõ nguồn gốc với giấy tờ giả, biển số giả khó có thể chấm dứt. Bởi còn không ít người vẫn muốn "nâng tầm đẳng cấp" cho mình, trong khi túi tiền lại chưa đầy nhanh, để theo kịp.