Dân Việt

Những “cô giáo” đặc biệt trong ngôi trường đặc biệt

Kim Chung 20/11/2016 08:01 GMT+7
Đó là những người đang âm thầm dạy dỗ cho trẻ em ở một ngôi trường gần gũi như ngôi trường trong toa tàu của cô bé ngồi bên cửa sổ Tottochan.

Có mặt tại Trung tâm hỗ trợ hòa nhập Hand in Hand (thuộc Hội khuyến học Việt Nam, nằm trong khuôn viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam) vào một buổi sáng gần dịp 20.11, tiết trời trong và mát, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là đang được đặt chân đến với một ngôi nhà với đúng nghĩa của nó, hay nói đúng hơn nó gần gũi giống như ngôi trường trong toa tàu của cô bé ngồi bên cửa sổ Tottochan.

Tự học để thành "cô giáo"

Tiếp chúng tôi là chị Nguyễn Diệu Anh và chị Nguyễn Quỳnh Hoa - hai người phụ nữ từ phong thái đến tính cách đều nhẹ nhàng, cách nói chuyện toát lên sự chân thành và tình cảm. Hai chị cùng với hai người nữa là những người đồng sáng lập ra ngôi trường đặc biệt này. Điều đặc biệt hơn nữa là họ cũng chính là những bà mẹ có con đang học tại trường.

img

Cô và trò trường Hand in hand đang tham gia vào buổi học ngoại khóa yêu thích là học muối kim chi.

“Lúc đầu tôi cũng đau khổ lắm chứ vì sinh con ra ai chẳng muốn con mình thông minh, khỏe mạnh như các trẻ em khác. Nhưng đau khổ hơn khi cho con đi học ở đâu, cũng chỉ được một thời gian là nơi đó tìm cách từ chối con mình với nhiều lý do. Tôi đã phải cho con chuyển qua rất nhiều trường nhưng vẫn không tìm được nơi phù hợp. Cuối cùng mới thấy rằng cách tốt nhất là tự mình lo cho con mình, tự xắn tay áo lên, xây một mái nhà cho các con. Và rất may tôi đã tìm được những người bạn đồng hành đáng quý”, chị Diệu Anh nhớ lại.

Chị Hoa cũng bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên. Hồi đầu, bé Nguyên con trai chị cũng đến trường học như bao đứa trẻ khác, em theo được với các bạn đến năm lớp bốn thì viết ra giấy cho mẹ rằng “con không thích đi học nữa”. Lúc đó, chị hiểu rằng con của chị không thể đến trường bình thường được nữa. Con cần một môi trường mới, chuyên biệt hơn.

Gắn bó với Hand in Hand từ những ngày đầu, khi mà chính tự tay mình đi chọn từng viên gach để xây dựng trường, cho đến thời điểm hiện tại chị Hoa và chị Diệu Anh vẫn mải mê làm việc không lương. Con của các chị sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi so với những đứa trẻ bình thường nên dẫu đang có cả một sự nghiệp rộng mở phía trước, những người mẹ ấy cũng đành gác lại, chấp nhận hy sinh tất cả để thành lập ra một “ngôi trường” chuyên biệt dành cho con em mình và tìm hiểu, thu nạp kiến thức khắp nơi để trở thành những “cô giáo”.

Ngoài 4 người phụ nữ đồng sáng lập ra nhà trường, nhà trường có thêm 7 cô giáo, cũng là bảy người mẹ hiền cùng với 15 học sinh – 15 đứa con dù có đứa cao to như thanh niên nhưng lúc nào cũng ngây thơ dại khờ. “Hand in Hand tiếng là một ngôi trường nhưng thực chất nó như “một ngôi nhà lớn hơn để các con mắc chứng tự kỷ có nơi để cùng hòa nhập, trò chuyện, vui chơi với nhiều người hơn chứ không chỉ là những người trong gia đình mình”, chị Quỳnh Hoa tâm sự.

“Các trẻ ở đây đủ mọi lứa tuổi, con bé nhất 4 tuổi rưỡi, con lớn nhất đã 17 tuổi, nhưng cách suy nghĩ của chúng thì không khác nhau nhiều. Tuy vậy, mỗi con vẫn có cách hành xử theo cách riêng của mình, tùy vào mức độ tự kỷ chúng mắc phải. Do đó các cô giáo phải nắm tình trạng của từng con để có cách cư xử và giáo dục phù hợp”, chị Diệu Anh vừa giải thích, vừa dõi theo hai đứa trẻ đang nô đùa với trái bóng.

img

Sản phẩm sau giờ học đặc biệt của cô trò.

Tường Minh có vẻ nhanh nhẹn, vui tươi hơn, em lém lỉnh và hay cười, thay vì nói thì em hay cấu hoặc béo vào tay người khác để thể hiện cảm xúc và những mong muốn bản thân… Đó là các trường hợp khá, ngoài ra có các bạn thực sự là những ca nặng. Các em không nói được, không thể hiện bất kỳ một điều gì về mặt cảm xúc, không tự chăm sóc và lo cho bản thân mình được...

Trải qua muôn vàn khó khăn và những rào cản từ những ngày đầu chập chững thành lập, khi chưa có một mô hình nào khác để tham khảo, cho đến nay Hand in Hand đã hoạt động ổn định được 7 năm. Mỗi ngày trôi qua là một thử thách, các cô các mẹ đều rất nhẹ nhàng kiên nhẫn để vừa chăm sóc, giáo dục vừa mày mò tìm kiếm đến những kỹ thuật tiến bộ nhất của thế giới áp dụng cho các con. Dù không phải là cô giáo, nhưng cả chị Diệu Anh, chị Quỳnh Hoa đều tham gia vào công việc chăm sóc hàng ngày cho các bé, từng bữa ăn giấc ngủ và theo sát bước phát triển các con của mình, không khác gì các cô giáo.

Con đường phía trước còn rất chông gai

Các kỹ thuật can thiệp như hoạt động trị liệu, vận động thô, ngôn ngữ trị liệu, chơi trị liệu, học hòa nhập hoặc ở lớp đặc biệt một cô một trò, can thiệp nhờ các môn nghệ thuật, lao động trị liệu… đều được Hand in Hand áp dụng. Bên cạnh đó, trường còn thường xuyên tổ chức những hoạt động bổ ích để trẻ được trực tiếp tham gia, khám phá và trải nghiệm hàng ngày. Cả hai chị đều xác định, con đường phía trước của những đứa trẻ tự kỷ dài thênh thang mà mịt mùng chông gai.

Chị Diệu Anh giải thích: Vì không thể làm các việc hoàn thiện được như trẻ bình thường, nên khi các em ngày một lớn, điều mong mỏi khát khao lớn nhất của các bậc phụ huynh là trẻ tự kỷ có được cái nghề. Cái nghề để sau này chúng có thể tự nuôi sống bản thân khi cha mẹ đã về già hoặc mất đi, bớt được gánh nặng cho những người anh chị em ruột, cũng như xã hội. Vì thế, hàng tuần, các con được học làm bánh, được phụ bếp gói nem, cuốn chả, làm patê, muối kim chi, trồng trọt, làm thủ công, tin học…

Các chị cũng chỉ là một trong muôn vàn những bà mẹ có con em bị tự kỷ trên dải đất hình chữa S này, với những mong muốn và khát khao rất đỗi dung dị nhưng cũng vô cùng cháy bỏng. Vì thế, hơn ai hết các chị hiểu và luôn tin tưởng lạc quan vào sự phát triển của các con, luôn mạnh mẽ cho chúng có một chỗ dựa, một điểm tựa để tự mình bước đi.          

Được biết sắp tới trường sẽ mở rộng hơn nữa các hoạt động như trồng thêm rau xanh, cây cảnh, trồng hoa, nuôi gà...

Nhà trường cũng sẽ tận dụng khoảng không gian mở xung quanh, để các con được gần gũi với thiên nhiên hơn nữa đồng thời cũng là tạo ra nguồn thực phẩm sạch, bớt đi một lượng chi phí đáng kể trong ngân sách còn eo hẹp của nhà trường.

Kế hoạch bán hàng online đã được thông qua khi sắp tới các sản phẩm do chính tay các con làm nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực của mọi người. Đó sẽ là một hướng đi trong tương lai cho các bé.

Dù những bước đầu còn chậm chạp và nhiều âu lo, nhưng cả hai chị đều tự nhủ nhất định cô trò của Hand in Hand sẽ phải dìu dắt cùng nhau bước đi, bởi nếu ngay lúc này không hành động, thì chẳng biết đến lúc nào các con mới tự bước được trên chính đôi chân của mình.