Đầu vào lớp học của thầy hầu hết là những học sinh nghịch ngợm, học lực yếu. Song đầu ra lại là những cô cậu học sinh ngoan ngoãn, có học lực khá, giỏi, đỗ 1 thậm chí 3 trường Đại học, cao đẳng. Người thầy “đặc biệt” đó chính là thầy Lương Ngọc Lãm.
Chỉ nhận học sinh yếu, kém
Đến nay, sau 6 năm làm nghề, thầy Lãm đã được mọi người đánh giá cao bởi khả năng và sự nhiệt huyết của mình. Thầy luôn tâm niệm và truyền cho học sinh nguồn cảm hứng, ngọn lửa đam mê không chỉ trong học tập mà còn là nghị lực phấn đấu trong cuộc sống.
Thầy Lãm trong một buổi lên lớp, với những học sinh cá biệt, có học lực kém. Ảnh Việt Trinh
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây (cũ), thầy về dạy cho trường Trung cấp nghề ở thị trấn Vân Đình (theo đề án 1956) của Chính phủ, dạy nghề cho lao động nông thôn. Khi đề án 1956 kết thúc, thầy quay về dạy cho trường THCS Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa. Năm 2013, thầy Lãm bất ngờ nghỉ dạy để theo đuổi ước mơ dạy kèm cho các học sinh cá biệt, học lực kém. Quyết định này của thầy đã vấp phải sự phản đối của cả gia đình.
Bước vào lớp học “đặc biệt” của thầy, nhìn lũ trẻ chăm chú nghe giảng, những ánh mắt chứa đựng nhiều ước mơ cho tương lai, ít ai có thể nghĩ trước đây chúng là những học trò “đặc biệt”. Tiếng phấn lách cách trên bảng vẽ ra những công thức chằng chịt và các con số thi nhau nhảy múa của bộ môn toán càng khiến tôi tò mò về phép “màu nhiệm” mà thầy dùng để “mê học” học trò.
Được biết, hiện thầy đang mở 6 lớp đặc biệt ở xã Trường Thịnh, Liên Bạt, Vân Đình, Vân Từ, mỗi lớp chỉ 15 đến 20 học sinh và điều đặc biệt là thầy chỉ nhận dạy cho học sinh học yếu, kém và có hạnh kiểm xấu.
Thầy Lãm chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là tạo động lực, thắp lên trong các em ngọn lửa đam mê tìm hiểu và chinh phục chứ chưa phải là kiến thức. Những em học sinh cá biệt là bởi chưa ai thấu hiểu tâm lý, chưa tạo điều kiện để các em phát huy hết khả năng của mình nên mới xảy ra những điều như vậy. Ở Việt Nam hiện nay rất thiếu việc rèn luyện kỹ năng sống”.
Từ khi có lớp học của thầy Lãm, người dân ở đây đã quen với hình ảnh “đứa con hư” của mình cầm chổi quét nhà sau giờ học. Học sinh đến lớp của thầy ngày một đông. “Những học sinh yếu kém là bởi chưa có động lực và phương pháp phù hợp. Bản thân các em khi có đủ các yếu tố đó thì sẽ vươn lên cao mà chạm tới thành công. Điều quan trọng là phải nhìn thấu con người học trò của mình” - thầy Lãm tâm sự.
Thấu hiểu để khơi mầm ước mơ
Trò chuyện với em Như Thươn (sinh năm 2000) ở xã Liên Bạt, Thươn thật thà kể: “Vì ham chơi, thể hiện cái tôi của mình mạnh quá nên đã rất nhiều lần em tham gia đánh nhau, bất hiếu với cha mẹ, kết quả em trượt kỳ thi vào THPT. Nghe bạn bè truyền tai nhau về lớp học của thầy Lãm, mẹ em đưa em đến lớp. Sau hai tháng học với thầy hiện giờ mẹ không cần phải đứng ngoài cửa canh em trốn học nữa”.
Hiện nay, nhiều em học sinh đã “tốt nghiệp” lớp học “đặc biệt” của thầy, sự thay đổi trong chính con người các em là thành công lớn nhất mà thầy Lãm tâm huyết. Nhiều em từ học yếu kém đã có thành tích khá, khá giỏi, thi đỗ THPT, đặc biệt là biết ấp ủ cho mình một ước mơ bé nhỏ. Em Đặng Như Ngà ở xóm Bắt Chùa (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa) mong muốn trở thành một cô giáo tiểu học, tiếp tục sự nghiệp người thầy đáng kính của mình. Hay em Cao Sĩ Kiên ở xã Trường Thịnh, năm 2014, Kiên thi trượt THPT, sau khi tới lớp học của thầy em đã thi đỗ với số điểm 40/50 điểm.
Còn thầy Lãm thầy chỉ giản dị chia sẻ “Mỗi ngày tới lớp nhìn các em trưởng thành là tôi hạnh phúc lắm rồi!”