Tè bậy ra đường sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng
Bộ Y tế vừa cho biết, hiện Việt Nam vẫn còn hơn 5 triệu người phóng uế bừa bãi ra môi trường. Điều này gây mất mĩ quan và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Tè bậy, phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng
Các chuyên gia văn hóa đề xuất xem xét lại chế tài xử phạt hành vi phóng uế bừa bãi để có thể răn re được người vi phạm, làm đẹp hình ảnh văn minh đô thị. Trong khi đó, một số luật sư cho rằng xử phạt có thể sẽ gặp khó khăn.
Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho rằng, nguyên nhân trước tiên là sự thiếu ý thức của người dân.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng một số đô thị còn yếu, số lượng nhà vệ sinh công cộng còn quá ít khiến nhiều người không biết “trút nỗi buồn” vào đâu. Chưa kể một số nhà vệ sinh lại không sạch sẽ khiến nhiều người khi rơi vào “thế bí” vẫn tặc lưỡi “vô ý thức” một lần.
Cũng theo Luật sư Kiên, vấn đề xử phạt người có hành vi thiếu ý thức tiểu tiện ngoài đường cũng gặp khó khăn bởi hiện không có lực lượng nào chuyên trách kiểm tra, xử phạt.
“Việc tè bậy diễn ra một cách bất chợt, trong thời gian ngắn, để bắt tận tay rồi xử là một vấn đề nan giải”, luật sư Kiên chia sẻ.
Ngoài ra, những người có thẩm quyền xử phạt lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc, việc theo dõi, xử phạt cũng gặp khó khăn.
Đối với hành vi tè bậy, luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi của nam thanh niên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi nêu trên còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi của mình gây ra. Tuy vậy, để bắt tận tay người tè bậy cũng không hề đơn giản.
Nhiều lãnh đạo chưa thực sự quan tâm
PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế nhận định, hiện nay nhiều trường học, bệnh viện, cơ quan, điểm tham quan du lịch, nhà ga, bến tàu, bến xe, nơi công cộng còn thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, ảnh hưởng lớn đến điều kiện học tập, làm việc, chất lượng dịch vụ và sự phát triển kinh tế.
Bà Hương phân tích, thiếu nhà vệ sinh không phải là do điều kiện kinh tế mà là do nhận thức của người dân về sử dụng nhà tiêu còn thấp. Tập quán, thói quen không sử dụng nhà tiêu còn phổ biến, nhất là ở đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
“Nhiều lãnh đạo chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng và bảo quản nhà vệ sinh tại các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, nơi công cộng khiến cho các công trình vệ sinh bị xuống cấp, hư hỏng, trở thành mất vệ sinh”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, Việt Nam muốn chấm dứt việc phóng uế bừa bãi, các cơ quan phải đầu tư xây dựng, bảo quản vệ sinh. Bởi sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội văn minh.
Ở góc độ y học, đại diện Bộ Y tế cho biết, nhà vệ sinh đạt chuẩn góp phần phòng chống dịch bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun sán, tay chân miệng, góp phần phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em; Thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo tại các hộ gia đình, nơi làm việc, bệnh viện, trường học có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, sự tập trung, năng suất lao động, học tập của người lao động và các em học sinh.
Nghiên cứu cũng cho thấy, đứa trẻ dùng nhà tiêu hợp vệ sinh cao hơn 3,7cm so với trẻ em sống ở cộng đồng, nơi có nhiều người còn phóng uế bừa bãi và sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh.