Donald Trump rời đi sau cuộc trả lời phỏng vấn với New York Times.
Theo Washington Post, đây là "phát ngôn nguy hiểm nhất" của Donald Trump trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ New York Times ngày 22.11.
Tỷ phú Mỹ bác bỏ việc ông phải tránh xa khỏi khối tài sản khổng lồ, dù có những mối lo ngại rằng, vấn đề kinh doanh có thể tác động đến quyết định của ông Trump khi chính thức làm tổng thống.
“Luật pháp hoàn toàn đứng về phía tôi. Tổng thống không thể có xung đột lợi ích”, ông Trump nói với phóng viên New York Times trong cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ. “Về lý thuyết, tôi vận hành công việc kinh doanh một cách hoàn hảo và sẽ lãnh đạo đất nước hoàn hảo như vậy. Chuyện này chưa từng xảy ra trong quá khứ”.
Tỷ phú Mỹ lưu ý rằng, ông chuyển giao công việc quản lý kinh doanh cho các con ở một chừng mực nhất định. “Nếu như tôi làm theo quan điểm của một số người, thì tôi sẽ không bao giờ còn được thấy con gái Ivanka nữa”.
Tuyên bố của ông Trump đối mặt với nhiều lời chỉ trích. “Donald Trump hứa sẽ làm trong sạch văn hóa làm giàu trong giới chính trị ở Washington. Nhưng ông ấy lại nói rằng luật pháp không có hiệu lực với mình”, Giám đốc truyền thông của Ủy ban Quốc gia Dân chủ Mỹ, Adam Hodge nói. “Ông Trump rõ ràng muốn dùng Phòng Bầu dục để làm giàu cho gia đình”.
Phát ngôn của ông Trump được nhiều người Mỹ liên hệ với câu nói nổi tiếng của Rochard Nixon cách đây 3 thập kỷ. “Khi mà tổng thống làm điều gì đó, thì đó có nghĩa là điều này không trái pháp luật”, Nixon nói.
Donald Trump và con gái Ivanka trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tháp Trump.
Washington Post nhận định, không rõ liệu ông Trump lấy ý tưởng này từ Nixon hay đồng minh thân cận Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York. “Luật pháp không áp dụng với tổng thống. Vì một vài lý do, khi luật pháp được ban hành, tổng thống là trường hợp ngoại lệ”, ông Giuliani từng nói.
Nhưng dù thế nào, ông Trump cũng đem đến khái niệm khiến cho nhiều người Mỹ lo ngại, đó là đặt bản thân hoặc người nào đó lên trên luật pháp.
Theo báo Mỹ, luật pháp ban hành nghiêm cấm nhân viên liên bang không được lợi dụng quyền hạn vì lợi ích cá nhân hoặc gia đình. Nhưng điều luật này lại không áp dụng với tổng thống, phó tổng thống, thành viên quốc hội hay thẩm phán liên bang.
Bộ Tư pháp Mỹ năm 1974 mô tả việc áp dụng luật xung đột lợi ích lên tổng thống, kiềm chế tổng thống là vi hiến. Nhưng cơ quan này không nêu rõ các trường hợp cụ thể.
Washington Post nhận định, ông Trump và đồng minh đã đúng khi nhắc đến điều luật liên quan đến xung đột lợi ích. Nhưng ông Trump nên hiểu rằng, vai trò kinh doanh bất động sản và làm Tổng thống Mỹ sẽ khiến tỷ phú Mỹ đứng giữa nhiều rắc rối.
Có lẽ, ông Trump nên biết cách chủ động tránh bị kéo vào những vấn đề xung đột lợi ích dù luật pháp không hề ép buộc tổng thống, Washington Post kết luận.