Nhân viên văn phòng tranh thủ chống đẩy trong giờ nghỉ trưa
Thời gian gần đây, trào lưu thách đố chống đẩy (hít đất) lôi cuốn nhiều người tham gia. Nhiều người tranh thủ mọi lúc mọi nơi để “hít đất”.
Luật của trò chơi này là ai bị thách đố sẽ phải quay clip thực hiện 22 cái chống đẩy mỗi ngày trong 22 ngày liên tiếp và với mỗi clip thì gửi lời thách đố đến một người bạn trong danh sách của mình.
Anh Trần Hồng Quang, nhân viên văn phòng tại Đống Đa, Hà Nội hoàn thành thử thách 22 lần hít đất trong 22 ngày chia sẻ: "Chinh phục thử thách này giúp tôi phấn khởi và có nhiều động lực để tập luyện thường xuyên, giảm mệt mỏi do việc ngồi làm việc cả ngày. Tôi cũng chia sẻ video trên facebook khi tôi chống đẩy ở nhà, phòng làm việc”.
Tương tự như anh Quang, anh Nguyễn Văn Tuấn (46 tuổi, Hà Nội) cũng nhận lời thách đấu của một người bạn. Theo đó, anh Tuấn phải “hít đất” liên tục trong vòng 22 ngày. Tuy không khó khăn để thực hiện thử thách trong ngày nhưng đến sáng hôm sau, anh bắt đầu có cảm giác ê ẩm, đau dữ dội khắp vùng mông khiến anh phải nằm vật xuống sàn nhà.
“Không chịu bỏ cuộc, tôi cắn răng cố “hít đất” tiếp nhưng chỉ được 10 cái đã ngã khụy, cảm giác đau dữ dội ở cơ bụng”, anh Tuấn than thở.
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thùy, Khoa Chấn thương Chỉnh hình II, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ: “Các cụ cổ nhân có câu “cái gì thái quá cũng không tốt”. Trong tập luyện thể thao cũng vậy, nếu ai cố tập, quá sức sẽ để lại hậu quả nặng nề”.
PGS. TS Nguyễn Xuân Thùy
Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Thùy, “hít đất” vừa phải, đều đặn có tác dụng như tập thể dục, giúp máu huyết lưu thông, cải thiện tuần hoàn, tăng sự dẻo dai cho cơ thể. Đặc biệt, hít đất đúng cách còn có tác dụng rất tốt tới cơ bụng. Tuy nhiên, đối với những người bị thoát vị đĩa đệm, người không thường xuyên tập luyện, người không khởi động trước khi chống đẩy dễ bị tổn thương cơ bắp, đau xương khớp, thậm chí vẹo cột sống.
PGS Thùy nhấn mạnh: “Trong tập luyện không ai giống ai, đừng nghĩ người này làm được thì mình sẽ làm được”.
Theo chuyên gia, Khoa Chấn thương Chỉnh hình II, Bệnh viện Việt Đức cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân chơi thể thao quá sức nhập viện phẫu thuật do chấn thương quá nặng.
Bác sĩ Thùy cho biết, tuy môn này không mất sức nhiều nhưng cũng huy động các cơ như: Cơ lưng, cơ ngực, cơ vai, cơ cẳng tay, khớp vai, cột sống, cánh tay, các khớp tay… Do đó, nếu chống đẩy tư thế không phù hợp, lưng có thể kéo căng và vặn lưng, làm giảm tính đàn hồi ở khe giữa cột sống. Lúc này cột sống sẽ bị chấn thương.
TS.BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM cũng cảnh báo, nếu chống đẩy quá sức dễ căng cơ, sang chấn nhỏ tại các điểm bám của gân, cơ… Nhiều người nghĩ “mới tập nên đau” và hôm sau vẫn cố nén đau tập tiếp là không nên. Các cơn đau, chấn thương “lặt vặt” nếu để xảy ra quá nhiều lần sẽ tác động xấu đến hệ cơ - xương - khớp. Tốt nhất, nên nghỉ ngơi vài ngày cho bớt đau rồi bắt đầu tập lại một cách khoa học, tăng dần cường độ qua từng ngày.
Theo các chuyên gia, khi phải thực hiện các “thử thách”, tốt nhất hãy chọn một thử thách khoa học, tập luyện mức độ dần dần, không nên hít đất 22 cái cùng một lúc.
Chuyên gia khuyến cáo, sau mỗi lần chống đẩy, thấy khỏe và thoải mái hơn thì tiếp tục. Ngược lại, nếu sau mỗi lần hít đất, xuất hiện những cơn đau mỏi bất thường, không thể chịu nổi, ảnh hưởng lớn đến việc sinh hoạt, đi lại… thì nên đi khám chuyên khoa.