Thông tin xử phạt nếu sử dụng, sở hữu xe máy không chính chủ đã làm cho hàng triệu người lo lắng và cơ quan chức năng thông qua truyền thông đưa ra lời “an ủi” rằng chỉ xử phạt xe không chính chủ khi làm thủ tục sang tên đổi chủ hay khi có vi phạm giao thông cần kiểm tra.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1.8.2016, phạt 100.000 - 200.000 đồng với cá nhân, 200.000 - 400.000 đồng với tổ chức là chủ môtô, xe máy và các loại xe tương tự môtô khi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế.
Như vậy, quy định này áp dụng đối tượng là chủ xe khi “mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản” mà không đăng ký sang tên xe chứ không phải người lái xe.
Bên cạnh đó, cảnh sát giao thông (CSGT) không thể tự ý dừng xe đang đi, trừ các trường hợp luật định.
Vì vậy, cảnh sát chỉ phạt chủ xe “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe” trong quá trình giải quyết vi phạm giao thông hay qua công tác quản lý hồ sơ, không được dừng xe chỉ để kiểm tra việc này.
Còn trường hợp đi xe do mượn, do thuê... thì không có quy định nào xử phạt cả. Bởi quan hệ này là quan hệ dân sự, không phát sinh thủ tục hành chính hay trách nhiệm hành chính trong các trường hợp này.
Nên trường hợp bạn bè mượn xe của nhau, vợ chồng đi xe của nhau, con cái lấy xe cha, mẹ để đi thì không vi phạm lỗi “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe”.
CSGT cho rằng chỉ xem xét, xử phạt vấn đề xe chính chủ khi làm thủ tục sang tên, đổi chủ và khi có tai nạn giao thông
Luật là phải rõ ràng, dễ hiểu, một nghĩa, một cách hiểu, một cách thực hiện…một quy định mà làm cho quá nhiều người “hiểu sai”, ở đây ai cũng nghĩ là phạt người đang điều khiển xe nếu không có giấy tờ đứng tên mình, thì văn bản luật cần xem lại.
Luật không cho phép hiểu khác, hành xử khác và ở đây xe không chính chủ vẫn bị phạt trong khi đang lưu thông nếu có vi phạm, nhưng đối tượng bị phạt lại là chủ xe mà lỗi vi phạm hiện trường là của người điều khiển xe, như vậy CSGT phải ra 2 quyết định xử lý vi phạm hành chính?
Ngay cả trong lực lượng CSGT cũng có cách hiểu khác nhau: Ngày 19.11, Trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng phòng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, trao đổi với báo chí đã khẳng định: “Lực lượng CSGT khi hoạt động tuần tra trên đường không tiến hành xác minh, xử lý đối với quyền sở hữu mà quyền sở hữu theo Nghị định 46 chỉ áp dụng trong 2 trường hợp: khi điều tra các vụ TNGT nghiêm trọng trở lên hoặc người đó đang làm thủ tục sang tên ở cơ quan chức năng”.
Thế nhưng báo Đất Việt đã đưa ra dẫn chứng khác: Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - Cán bộ xử lý của Đội CSGT số 1 - Công an thành phố Hà Nội đưa ra tình huống cụ thể cho người tham gia giao thông: “Ví dụ, hai vợ chồng có 1 chiếc xe máy nhưng giấy tờ đứng tên vợ. Anh chồng lấy xe máy của vợ để sử dụng là việc bình thường, không luật nào cấm và chồng sẽ không bị phạt. Tương tự trường hợp anh mượn xe của bạn, đồng nghiệp hay xe đi thuê đều không bị xử phạt về lỗi sang tên đổi chủ. Nhưng nếu chồng đi xe máy của vợ và vi phạm luật giao thông, bị CSGT thổi phạt, lỗi phải giữ xe. Lúc này, CSGT sẽ xem giấy tờ và xác minh người vợ có phải là chủ xe hay không. Nếu CSGT thấy chị vợ đúng là chủ xe thì chồng sẽ không bị phạt lỗi “xe không chính chủ” mà chỉ chịu phạt lỗi giao thông.
Bên cạnh đó, chi phí giữ xe sẽ do người vi phạm trả. Hiểu đơn giản là “lỗi ai người đấy chịu”. Người điều khiển xe chịu lỗi giao thông, nhưng chủ xe chịu lỗi liên quan đến hành chính.
Dư luận có phần an tâm khi đại diện CSGT hai thành phố lớn nhất nước khẳng định Hà Nội và TP.HCM chỉ xem xét, xử phạt vấn đề xe chính chủ khi làm thủ tục sang tên, đổi chủ và khi có tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Nếu ai đi xe không chính chủ thì cứ yên tâm, sẽ không bao giờ bị phạt khi tuân thủ các điều sau: Đi xe an toàn, không gây tai nạn cho người khác; Đi xe đem theo cà vẹt, bằng lái, bảo hiểm xe và đội mũ bảo hiểm đầy đủ, đi đúng tốc độ, đúng làn đường quy định.
Còn nếu bạn lưu thông bình thường và xuất trình đầy đủ các giấy tờ nêu trên mà bị CSGT yêu cầu vấn đề xe chính chủ thì có thể gọi điện vào đường dây nóng của CSGT tỉnh, thành phố để thắc mắc, phản ánh.