Dân Việt

Black Friday : Cẩn trọng trước tội phạm công nghệ cao!

Hoàng Thắng 24/11/2016 15:30 GMT+7
Ngày thứ 6 đen tối “Black Friday” luôn là dịp thu hút lượng người mua sắm lớn nhất trong năm bởi các hệ thống bán lẻ, nhà sản xuất đồng loạt đưa ra những mức giảm giá lớn chưa từng thấy. Song đây cũng là thời điểm người tiêu dùng rất dễ gặp rủi do mua phải những món hàng cũ hoặc bị tội phạm công nghệ cao đánh cắp dữ liệu thanh toán.

img

Ngày Black Friday là lúc tâm lý mua sắm của mọi người được đẩy lên mức cao nhất, đây cũng là cơ hội để các chiêu trò lừa đảo có đất diễn

Trao tiền thật, nhận hàng dởm

Để tiết kiệm thời gian mua hàng khuyến mại ngày Black Friday, không ít người sẽ chọn mua hàng qua mạng, tuy nhiên sự cố hay gặp khi mua hàng trực tuyến chính là sản phẩm trên mạng một đường, sản phẩm trên tay một nẻo.

Trên thực tế, không ít cửa hàng trực tuyến sử dụng hình ảnh lấy ở những trang web hoặc của cửa hàng khác để giới thiệu sản phẩm của mình. Hoặc họ bán hàng loại 2, loại 3, hàng may gia công nhái theo các thương hiệu nổi tiếng... Nhưng vì lợi nhuận nên cố tình giới thiệu thông tin không đúng về sản phẩm mình bán.

Bạn Minh Hà - một “tín đồ” thời trang chia sẻ, Black Friday không chỉ là dịp để kích cầu tiêu dùng mà còn là cơ hội để nhiều cửa hàng thời trang “xả” hàng cũ, lỗi mốt. Một số cửa hàng khác thì đổi giá, đổi mẫu so với thông tin quảng cáo trên website vào ngày bán. Thậm chí, một số cửa hàng không uy tín cũng nhân cơ hội này để bán hàng giả .

Chị Hà nói: “Trình độ gia công, làm nhái quần áo thể thao, cặp, túi xách đều được nâng cấp lên theo từng năm. Nếu không phải người hay mua sắm khó có thể nhận ra bằng mắt thường”.

Theo chị Hà, để chọn mua sản phẩm khuyến mại ngày Black Friday uy tín và chất lượng, cần tìm và tra cứu thông tin trên những trang web được nhiều người biết tới, các đại lý phân phối hoặc ủy quyền uy tín. Ngoài ra, nếu có thời gian nên đến cửa hàng để trực tiếp nhìn ngắm sản phẩm xem có phù hợp và có bảo đảm chất lượng hay không. Còn với những ai chọn hình thức mua sắm trực tuyến, người mua chỉ nên thanh toán sau khi đã nhận và kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, chị Hà còn đưa ra lời khuyên để phát hiện các cửa hàng kinh doanh thiếu trung thực: “Trước ngày giảm giá vài ngày mọi người nên tớo khảo giá sản phẩm, kiểm tra kiểu dáng, mẫu mã. Tới ngày khuyến mại lại tới kiểm tra lần nữa xem có gì thay đổi hay không?”

Tháo chạy cùng tiền đặt cọc

Chiêu trò này khá tinh vi và kín kẽ bởi hiện nay có rất nhiều mặt hàng muốn mua phải đặt cọc tiền bằng cách chuyển khoản trước. Trong ngày Black Friday, có thể cũng sẽ xuất hiện những mặt hàng mà các cửa hàng, công ty yêu cầu người mua phải đặt cọc tiền trước. Trước hợp khách hàng đặt cọc tiền cho những cửa hàng, công ty kinh doanh không đàng hoàng có thể sẽ mất mất cả chì lẫn chài.

Chiêu thức để lấy được tiền đặt cọc của khách hàng cũng rất “thâm hiểm”. Đầu tiên họ thường giảm giá sản phẩm với giá cực sốc, sau khi gặp được con mồi họ sẽ đeo bám để giới thiệu sản phẩm, khi con mồi xuôi tai thì giục chuyển khoản trước để giữ hàng nếu không hàng hết họ sẽ không chịu trách nhiệm… Tâm lý người mua vì sợ chậm chân, mất món hàng đành nhanh chóng chuyển tiền.

Lời khuyên mà nhiều người mua hàng online đưa ra là khi gặp phải những cửa hàng có nguyên tắc đặt tiền trước, đó là người mua cần kiểm tra uy tín của cửa hàng, đồng thời khi giao dịch thì không được để lộ thông tin cá nhân cho người bạn nghi ngờ là không đáng tin cậy.

img

Nguy cơ mất cắp dữ liệu thanh toán

Thời điểm các hệ thống bán lẻ, nhà sản xuất đồng loạt đưa ra những mức giảm lớn chưa từng thấy trong năm cũng là lúc giới tội phạm công nghệ cao nhìn thấy cơ hội đánh cắp dữ liệu thanh toán của người tiêu dùng. Bởi lúc này các quản lý website thường cho hệ thống hoạt động tối đa để đáp ứng nhu cầu của người dùng, gần như không có thời gian cho hoạt động bảo trì hoặc kiểm tra kho dữ liệu.

Người dùng có thể dễ dính bẫy giảm giá lớn từ các trang web giả hoặc bị mất tài khoản ngân hàng khi một số trang bán hàng lớn bị đánh cắp dữ liệu. Theo công ty bảo mật iSight (Mỹ), lợi dụng tâm lý mê hàng siêu giảm giá thời gian này, lượng thư điện tử quảng cáo lừa đảo sẽ được các hacker gửi tới hàng trăm nghìn địa chỉ email của người tiêu dùng. Cách thức này khá cũ khi chúng sử dụng các trang web bán hàng giả và qua đó đánh cắp thông tin tài khoản thẻ tín dụng của người dùng.

Trong khi đó, khoảng 50 nhà bán lẻ lớn nhất tại Mỹ cũng từng đang đau đầu với một loại malware mới có tên là Modpos. Phần mềm độc hại này có thể ẩn nấp trong các máy tính và tìm cách lấy cắp dữ liệu thanh toán ngay trong khoảnh khắc các thông tin này chưa được mã hóa và vẫn còn lưu ở bộ nhớ trạm.

Các chuyên gia bảo mật cảnh báo người dùng nên rất cẩn trọng khi chọn thanh toán tại một số trang web mua bán lạ. Các mức giảm giá lớn được quảng cáo trong email gửi hàng loạt cũng có độ tin cậy rất thấp và chỉ nên mua hàng ở các trang bán lẻ lớn hoặc tới trực tiếp các cửa hàng.