Dân Việt

Làm thế nào để sim "rác" không bị thu hồi?

Hoáng Thắng 25/11/2016 06:30 GMT+7
Việc Bộ Thông tin & Truyền thông yêu cầu 5 nhà mạng: Gtel, Vietnamobile, MobiFone, Viettel và VNPT thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối khiến nhiều người cảm thấy lo lắng bởi Sim đang dùng hiện tại là Sim đã kích hoạt sẵn trước khi mua.

img

Nhiều người cho rằng Sim rác phát sinh do cuộc chạy đua doanh số giữa các nhà mạng

Đăng ký “chính chủ” cho Sim

Theo dự kiến, tới ngày 31.12.2016, cả 5 nhà mạng trên sẽ hoàn thành việc thu hồi Sim đã kích hoạt sẵn, Sim không chính chủ. Điều này sẽ khiến nhiều khách hàng bị mất số thuê bao di động (TBDĐ), gây ảnh hưởng đến nhu cầu liên lạc, cũng như kết nối với mọi người hàng ngày.

Anh Nguyễn Việt Cường (Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) tỏ ra lo lắng trước thông tin số TBDĐ mình đang sử dụng đứng trước nguy cơ bị thu hồi. Anh Cường cho biết, Sim điện thoại anh đang sử dụng vốn được mua tại một cửa hàng bán Sim thẻ gần nhà cách đây gần 5 năm. Thời điểm mua về, Sim điện thoại của anh đã được kích hoạt và có sẵn tiền trong tài khoản. Sau đó, anh Cường cũng không chuyển quyền sử dụng (sang tên) chính chủ Sim.

Khách hàng cần tới các điểm giao dịch của nhà mạng di động mình đang sử dụng để hoàn tất các thủ tục chuyển quyền sử dụng (sang tên) chính chủ Sim.

Mang theo CMND còn thời hạn sử dụng và Sim đang sử dụng đến cửa hàng/trung tâm giao dịch để được hướng dẫn cách đăng ký Sim chính chủ.

Chuẩn bị thông tin về những số điện thoại liên lạc thường xuyên, thông tin 5 cuộc gọi đi và đến gần nhất trong vòng 1 tháng, mệnh giá thẻ nạp gần nhất để cung cấp cho nhân viên cửa hàng/trung tâm giao dịch khi đăng ký Sim.

Kiểm tra thông tin sau khi chuyển quyền: chủ thuê bao dùng Sim vừa chuyển quyền gọi lên tổng đài để xác nhận lại thông tin thuê bao, nếu có gì sai sót yêu cầu nhân viên giao dịch sửa lại.

Do yêu cầu công việc phải thường xuyên phải gặp gỡ, trao đổi thông tin với các đối tác, khách hàng nên anh Cường không thay đổi số TBDĐ từ đó tới nay. Anh Cường nói: “Việc thu hồi Sim đã kích hoạt sẵn, Sim không chính chủ nhằm ngăn chặn tình trạng Sim rác tràn lan trên thị trường gây ra vấn nạn tin nhắn rác là cần thiết. Bản thân tôi cũng rất khó chịu khi mỗi ngày phải nhận những tin nhắn mời mua bất động sản, vay vốn tín dụng. Nhưng nếu giờ thuê bao di động của tôi bị thu hồi, tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi bao năm qua vẫn liên lạc với bạn bè, người thân, khách hàng bằng số điện thoại này”.

Trước lo lắng của anh Cường cũng như nhiều khách hàng khác, nhiều nhà mạng đã đưa ra lời khuyên nhằm giúp khách hàng tránh bị thu hồi Sim đang sử dụng. Theo đó, khách hàng cần đăng ký lại thông tin thuê bao chính chủ cho Sim đang sử dụng.

Trong thời gian này, các thuê bao được kích hoạt sẵn sẽ nhận được tin nhắn từ nhà mạng thông báo về việc thu hồi Sim, thời hạn khóa dịch vụ để thu hồi số về kho và yêu cầu đăng ký lại thông tin. Lúc này, khách hàng cần tới các điểm giao dịch của nhà mạng di động mình đang sử dụng để hoàn tất các thủ tục chuyển quyền sử dụng (sang tên) chính chủ Sim.

Con đường hình thành Sim rác

Theo giải thích của anh Nguyễn Duy Hùng, một người từng kinh doanh Sim, thẻ và ĐTDĐ, sự ra đời của Sim rác bắt nguồn từ áp lực chạy đua doanh số giữa các nhà mạng.

Anh Hùng nói: “Các nhân viên nhà mạng phải tìm kiếm dữ liệu thông tin cá nhân từ người thân, bạn bè để khai khống thông tin cá nhân nhằm kích hoạt Sim. Sau đó, gửi số Sim này cho đại lý kinh doanh Sim thẻ. Về phía các đại lý kinh doanh Sim thẻ, để đảm bảo doanh số nhằm tiếp tục được nhập Sim với mức giá ưu đãi, họ thường nhập cả hai loại Sim đã và chưa kích hoạt về. Sau đó, tùy theo nhu cầu thị trường, họ lần lượt kích hoạt Sim trong kho và nạp tiền, tạo ra phát sinh cước hàng tháng để bảo đảm Sim không bị thu hồi. Tin nhắn rác được gửi đi trong thời gian các cửa hàng bảo quản Sim đã kích hoạt”.

img

Tin nhắn rác gây ra rất nhiều khó chịu với các chủ thuê bao di động

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, Sim rác cũng có thể được mua tại các cửa hàng bách hóa nhỏ hay hàng nước với giá rẻ. Do tính chất mua bán dễ dàng nên những TBDĐ này được sử dụng để gửi tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây ảnh hưởng đến mọi người.

Hà Nội mạnh tay xử lý nạn tin nhắn rác

Nhằm thực hiện chỉ thị của Bộ Thông tin & Truyền thông về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng, ngày 22.11.2016, Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội tiếp tục ban hành Công văn số: 2178/STTTT-BCVT, đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông xử lý 619 số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định và các số điện thoại phát tán, liên hệ trong tin nhắn rác thông qua hình thức ngừng cung cấp dịch vụ. Tính riêng 6 tháng qua, Sở TT & TT Hà Nội đã xử lý hàng nghìn số điện thoại di động gửi tin nhắn quảng cáo rao vặt sai quy định, phát tán tin nhắn rác, và các số điện thoại liên hệ trong tin nhắn rác.