Dân Việt

Trồng su hào tím tại nhà: Nhuộm sắc tím cho vườn thêm xinh

Bùi Hồng Liên 06/12/2016 06:30 GMT+7
Với màu sắc bắt mắt, ấn tượng, trồng su hào tím tại nhà được coi là "ứng viên sáng" giúp bạn nhuộm sắc tím cho khu vườn nhà mình thêm rực rỡ trong tiết trời đầu đông.

Su hào tím ưa mát mẻ nên với khí hậu Việt Nam, bạn nên trồng loại củ này vào vụ thu đông. Su hào tím rất phù hợp trồng trong thùng xốp hoặc chậu nhựa chuyên trồng rau sạch tại nhà.

img

Đang trở thành "mục tiêu" săn đón của nhiều anh chị em mê làm vườn, hạt giống su hào tím hiện được bán ở những cửa hàng hạt giống với giá từ 20.000 đến 30.000/gói 2 gram.

img

Sự khác biệt của su hào tím là vỏ màu tím, ruột lại trắng giống như su hào thường nhưng nói về độ dinh dưỡng và đậm đà hơn hẳn su hào thông thường.

Cùng Ngon - Sạch- Lạ bắt tay vào trồng su hào tím siêu bắt mắt này bạn nhé:

Bước 1: Gieo hạt

Đầu tiên, để những hạt giống su hào tím nảy mầm trong điều kiện tốt nhất, Ngon Sạch Lạ khuyên bạn nên gieo những hạt giống này trong những khay trồng chuyên dụng.

img

Nên sử dụng những loại đất như đất thịt nhẹ, đất pha cát để tăng tỷ lệ nảy mầm của hạt giống. Cho đất vào khay chuyên dụng, sau đó  gieo hạt xuống và phủ lên bề mặt một lớp đất mỏng, tiếp đó tưới nước tạo độ ẩm để kích thích hạt giống nảy mầm.

img

Lưu ý, bạn nên đặt khay gieo hạt giống ở nơi thoáng mát và đủ ánh sáng. Chỉ sau một tuần bạn sẽ thấy thân cây non cũng có màu tím rất đặc trưng của su hào tím.

img

Ở giai đoạn cây con này, bạn cần thường xuyên tưới nước để cung cấp đầy đủ độ ẩm cho cây. Sau 2 tuần cây đã bắt đầu cho ra những lá thật đầu tiên.

Bước 2: “Chuyển nhà” cho cây con

img

Khi cây su hào tím được 2 tuần và đạt chiều cao khoảng 7cm bạn nên chuẩn bị đất ở thùng xốp hoặc chậu nhựa trồng để đánh cây ra trồng riêng. Lưu ý trong mỗi hộp xốp chỉ nên trồng tối đa 2 – 3 cây do khi phát triển hết tán của su hào tím khá rộng nên trồng thưa sẽ giúp bạn có củ to hơn.

img

Với “ngôi nhà” mới này của su hào tím, bạn nên chọn loại đất giàu dinh dưỡng và dễ thoát nước. Làm sạch cỏ dại, vun xới cho tơi xốp. Trước khi trồng cây con bạn nên bón lót xuống dưới đáy một ít phân hữu cơ để kích thích cây mau bám rễ phát triển. Cách 15 ngày, bón phân để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển.

img

Đem trồng những cây con vào và lấp đất. Tưới nước ngay sau khi trồng cây con xuống đất, những ngày sau đó đều đặn tưới 2 lần vào buổi sớm và chiểu mát. Chỉ khoảng 2 đến 3 ngày là cây con sẽ bám rễ và xanh tốt trở lại.

Bước 3: Chăm sóc su hào tím

img

Ở giai đoạn phát triển, su hào tím cần có nhiều chất dinh dưỡng để lớn và hình thành củ. Bạn nên bón thúc bổ sung vào gốc cho cây bằng loại phân hữu cơ với liều lượng quy định.

img

40 ngày sau khi trồng, củ sẽ bắt đầu được tạo ra. Từ dưới phần gốc cách vài cm, thân phình ra thành củ có hình cầu hơi dẹp. Dần dần củ sẽ tròn dần và phình to ra khi trưởng thành.

img

 Sau 50 ngày trồng củ sẽ có kích thước khoảng 5 cm. Các chồi non vẫn đang tiếp tục mọc.

img

Cùng với việc kích thước củ su hào tím sẽ càng tăng lên thì các cuống lá sẽ xòe rộng sang hai bên và màu sắc sẽ càng tím đậm dần. Kích thước củ càng lớn càng nên bón nhiều phân, bón thúc lần cuối trước khi thu hoạch một tuần để giúp củ su hào nảy đều và mỏng vỏ.

img

Bước 4: Thu hoạch su hào

Hai tháng sau khi gieo trồng, kích thước su hào tím đã đạt đường kính khoảng 10 cm. Mặt củ đã bằng và các lá non ngừng sinh trưởng. Đây là thời điểm thích hợp nhất để bạn thu hoạch su hào tím vì để lâu hơn củ sẽ hình thành xơ, ăn không ngon.

img

Khi thu hoạch dùng dao nhẹ nhàng cắt sát phía dưới phần thân củ và cắt bỏ những cuống lá già. Su hào trưởng thành có màu tím thẫm, dạng hình cầu tròn.

img

Su hào tím có chứa nhiều chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa và các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Không chỉ  đem đến những món ăn ngon, su hào còn là loại thực phẩm đem lại giá trị dinh dưỡng khá cao và được dùng để chữa trị nhiều loại bệnh.

img

Trong quá trình trồng, bạn nên thường xuyên kiểm tra, theo dõi một số loại sâu bệnh như rệp, bọ để kịp thời có hướng điều trị đúng cách cho cây. Khi cây có dấu hiệu nhiễm bệnh bạn cần phun thuốc trừ sâu sinh học để ngăn chặn sâu bệnh hại cây.