Niên vụ mía 2016 - 2017, Công ty CP Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Phú Yên và Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam thực hiện 5 mô hình trình diễn trên mía tại Phú Yên.
Không còn bỏ mía cho trời
Mới đây, một hội thảo đầu bờ đã được tổ chức giữa trang trại mía của ông Miên, thu hút rất đông “cánh” trồng mía địa phương. “Trong khâu làm đất, tôi cho máy cày sâu, đánh tơi xốp đất. Rồi dùng máy trồng mía theo hàng, để dễ dàng kéo đường ống tưới nhỏ giọt. Mỗi 1 van trên đường ống trong 24 giờ sẽ nhỏ giọt được 25 lít nước, cách 30cm có 1 van, nền đất mía sẽ liên tục được giữ ẩm. Lâu nay, dân trồng mía luôn phó mặc chuyện nước tưới cho trời, thế nên gặp khô hạn là mía “toi cơm”. Ngoài việc tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, tôi còn hòa phân Bình Điền chuyên dùng để cung cấp dinh dưỡng cho mía, đỡ tốn thuê nhân công đi rải phân. Cứ ngồi một chỗ bật nút tưới mía, rung đùi nghe nhạc. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư máy chặt mía nữa là khép kín cơ giới hóa toàn bộ quá trình làm mía” - ông Miên giới thiệu với các đại biểu.
Nông dân Phú Yên tham quan mô hình tưới mía nhỏ giọt ở trang trại ông Đoàn Đắc Miên. Ảnh: Hùng Phiên
Theo phân tích của đại diện Phòng NNPTNT Sơn Hòa, nhờ mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, ông Miên đã đưa năng suất, chất lượng cây mía tăng vượt trội. Lúc này, năng suất mía bình quân ở Sơn Hòa chỉ từ 50 - 60 tấn/ha, riêng trang trại mía của ông Miên luôn đạt năng suất từ 110 - 140 tấn/ha/vụ. Hơn 10 năm qua, thương hiệu “mía ông Miên” có ký kết đầu ra ổn định trên 400 tấn mía cây/năm, chữ đường đạt từ 9 - 11%. Vụ này, mía ở trang trại ông Miên đang vươn lóng rất khỏe nhờ hệ thống tưới nước, bón phân nhỏ giọt, chủ nhân cầm chắc khoản lãi trên 400 triệu đồng/10ha/vụ.
Bớt nhọc nhằn, tăng lợi nhuận
Việc doanh nghiệp “bắt tay” nông dân đầu tư tiến bộ kỹ thuật đang mở ra triển vọng tăng lợi nhuận rõ rệt cho người trồng mía. Chẳng những giảm bớt nhọc nhằn, thuê mướn nhân công, năng suất và chữ đường còn tăng cao bất ngờ”. Ông Nguyễn Đức Hòa |
Theo ông Nguyễn Đức Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, mô hình tưới nhỏ giọt do Bình Điền đầu tư trên cây mía đang mang lại hiệu quả thiết thực, có sức thuyết phục cao đối với vùng chuyên canh mía Sơn Hòa.
Ngoài ra, bộ sản phẩm phân bón Đầu Trâu Đẻ Nhánh và Đầu Trâu Vươn Lóng được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay tại Việt Nam và trong khu vực nên hàm lượng dinh dưỡng cao, đầy đủ và cân đối giữa các nguyên tố đa lượng và trung vi lượng.
Đặc biệt, nhờ áp dụng công nghệ mới giúp giảm lượng lưu huỳnh (S) nên các sản phẩm phân bón này phù hợp với nhu cầu của cây mía tại địa phương, không gây chua đất, phù hợp với điều kiện thiếu nước, biến đổi khí hậu hiện nay. Cũng theo ông Thắng, vụ mía 2016 - 2017, Bình Điền còn triển khai trên 4ha mô hình ứng dụng kỹ thuật thâm canh mía tại trang trại ông Huỳnh Khắc Vũ (xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa), ông Trần Minh Hải (9 xã Krông Pa, Sơn Hòa), ông Nguyễn Trọng Hoàn (xã Sơn Long, Sơn Hòa) và ông Lâm Xuân Trường (xã Sơn Phước, Sơn Hòa). “Việc doanh nghiệp “bắt tay” nông dân đầu tư tiến bộ kỹ thuật mở ra triển vọng tăng lợi nhuận rõ rệt cho người trồng mía. Ngoài giảm bớt nhọc nhằn, thuê mướn nhân công thì năng suất và chữ đường đều tăng cao” - ông Thắng nói.