Ngày 25.11, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (Bộ Công an) cùng Công an tỉnh Thái Nguyên bắt quả tang 3 người tổ chức xẻ thịt một “ông ba mươi” ngay giữa sân vườn như một con gà. Nhìn ảnh có thể xác định đây là một “ông” hổ Đông Dương loại “tiên chỉ”, nặng hơn 3 tạ. Thủ phạm khai là mua nó ở Nghệ An, bắn thuốc mê và đưa ra Thái Nguyên làm thịt. Chắc chắn “ông ba mươi” này sẽ bị róc thịt lấy xương nấu cao thỏa mãn nhu cầu của các đại gia lắm tiền nhiều của và cung cấp cho phòng khách một ai đó bộ da tuyệt đẹp.
"Ông" hổ nặng 304kg bị xẻ thịt giữa thành phố Thái Nguyên.
Hổ là động vật quý hiếm được ghi hàng đầu trong Sách Đỏ. 95% hổ trên thế giới đã bị giết hại chỉ trong thế kỷ qua. Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), Việt Nam chỉ còn chưa tới 30 cá thể hổ hoang dã hiện đang phân bố rải rác ở một số vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, chủ yếu ở biên giới các tỉnh miền Trung. Nếu đúng như vậy thì con hổ Đông Dương vừa bị giết thịt ở Thái Nguyên vừa qua là một trong gần 30 con hổ cuối cùng này.
Thủ phạm giết động vật hoang dã trong Sách Đỏ và tang vật đã bị tạm giữ để phục vụ điều tra và xử lý theo pháp luật. Thế nhưng vụ việc mua hổ giết thịt dễ ợt như mua gà này đã làm công luận bị sốc và để lại một nỗi buồn. Động vật hoang dã là bạn từ thuở khai thiên lập địa với con người. Những người bạn của rừng thẳm, muôn thú, từ voi, hổ báo đến tê giác, hươu nai, khỉ vượn và cả con tê tê, con cu li hiền lành đã góp phần làm cho cuộc sống trên hành tinh này trở nên đa dạng, phong phú. Và hơn thế nữa, chúng là những nguồn gen cực quý hiếm có thể tận dụng để cải thiện chất lượng đàn gia súc của mình trong những thế kỷ “người đông của hiếm” trước mắt.
Và cách đây 6 năm, con tê giác một sừng cuối cùng trên thế giới còn sót lại tại rừng quốc gia Nam Cát Tiên đã bị bắn hạ, đặt dấu chấm hết cho nỗ lực bảo tồn của quốc tế về loài tê giác này. Rồi trước đó, con bò xám Kouprey cuối cùng của Đông Dương và của Trái đất cũng đã biến mất một cách đầy bí hiếm. Con bò xám huyền thoại này để lại một nỗi tiếc nuối của giới khoa học thế giới vì người ta hy vọng gen của chúng có thể tái tạo hơn một nửa đàn gia súc trên trái đất và có giá trị hàng chục tỷ đô la. Đó là không kể nào những voi, những báo, những bạn bè quý hiếm khác cũng bị tiêu diệt dần mòn không thương tiếc. Thú rừng, nhất là thú dữ, là đội vệ sĩ bảo vệ rừng, chính chúng đã làm cho rừng thành rừng thiêng núi thẳm, tạo khoảng cách khó vượt qua giữa con người và rừng gỗ quý giá. Việc xua đuổi thú rừng để lấy đất canh tác, đẩy chúng vào cảnh không còn đất sinh sống đã vô tình thu hẹp luôn rừng đầu nguồn, kéo theo những hệ lụy về lâu dài.
Một thanh niên khoe chiến tích trên facebook bằng hình ảnh động vật hoang dã bị sát hại. ENV
Vụ mua hổ rồi cắt tiết, giết thịt như gà ở Thái Nguyên vừa xảy ra chỉ là vụ việc điển hình của một thực tế buồn. Một số người xem việc săn voi, giết hổ và cả những con vật hoang dã yếu đuối hiền lành như con tê tê gần như thường xuyên, “nhảy múa trước pháp luật” và đội quân kiểm lâm, chỉ để thỏa mãn thú săn bắn và những thói quen có thể gọi là rửng mỡ của những kẻ trọc phú ngu xuẩn, những kẻ chỉ biết chăm lo cho bản thân mình, gia đình mình mà không hề đếm xỉa đến môi trường, tương lai của nhân loại. Loài người văn minh, với sự hiểu biết của mình, có thể nào chấp nhận được người ta phải giết những con voi đực hùng dũng của châu Phi, châu Á chỉ để lấy ngà làm cán dao hay những chiếc vòng tay trang sức? Có thể nào chấp nhận quyền tiêu diệt đàn chồn Vizon quý hiếm trên trái đất chỉ vì những bộ da của chúng có thể làm nên những chiếc áo choàng hay khăn quàng cổ của những kẻ lắm tiền? Có thể nào chấp nhận và tha thứ được khi kẻ trọc phú tin rằng cái “pín” cũng như bộ xương của hổ, chiếc sừng tê giác có thể giúp họ kéo dài hoan lạc trên giường cũng như cuộc sống tuổi già sức yếu của họ? Những kẻ trọc phú, bằng đồng tiền luôn khả nghi của mình có thể biến thành vũ khí đầy sức mạnh để lấy về những thứ đó từ xác của những người bạn hoang dã? Hẵng tạm cho rằng, những thứ đó có ít nhiều tác dụng y học như lời đồn thổi xưa nay đi nữa thì liệu ai có quyền tiêu diệt động vật hoang dã để cứu lấy mạng sống của chính mình? Tạo hóa không cho phép bất kỳ ai làm như vậy. Con hổ được sinh ra không phải để làm cường dương cho những kẻ trọc phú. Tự nhiên chính là sự cân bằng tuyệt hảo mà muôn loài đã tạo nên qua hàng triệu năm tồn tại bên nhau. Phá vỡ bất kỳ khâu nào trong thế cân bằng ấy đều dẫn tới sự hủy diệt, ngay tức thì hay dần dần nhưng không thể tránh được như sự hủy hoại môi trường đang xảy ra một cách lạnh lùng, vô cảm.
Nhưng thú rừng quý hiếm không chỉ là nạn nhân của những kẻ trọc phú, những kẻ có tiền kém hiểu biết. Chúng còn là nạn nhân của những kẻ liều. Môi trường bị tàn phá nặng nề trong và cả sau chiến tranh. Môi trường và động vật hoang dã lại bị thêm những đòn chí mạng với sự bất cập của pháp luật và lực lượng bảo vệ, với cuộc di dân tự do khó kiểm soát, nạn lâm tặc, nạn săn bắn trái phép. Vấn nạn môi trường kể cả giết hại động vật hoang dã quý hiếm trái pháp luật chưa thấy điểm dừng.
Những người sống trong các bộ lạc thuộc các khu bảo tồn thiên nhiên ở châu Phi thường có tín ngưỡng không ăn thịt, dân chúng nhiều nước châu Âu coi việc giết hại một con sóc hay một con chim thôi cũng là một tội ác tày trời, pháp luật nước họ cũng xử tù chứ chẳng chơi. Nhờ ý thức cao như vậy trong cộng đồng mà công việc bảo vệ môi trường ở những xứ sở đó rất có hiệu quả. Nâng cao được nhận thức của cư dân có lẽ là lối ra đẹp nhất để cứu vớt mẹ thiên nhiên. Hủy diệt động vật hoang dã, hủy diệt tự nhiên chính là hủy diệt sự sống của chính mình. Điều có thể làm ngay trước mắt là hãy dùng luật pháp có hiệu quả nhất để ngăn chặn sự tự hủy hoại này.