Dân Việt

Dấy lên lo ngại từ nhà máy thép đầu nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn

Văn Thủy - Trương Hồng 29/11/2016 06:31 GMT+7
UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt báo cáo tác động môi trường của dự án Nhà máy thép Việt Pháp, cho phép nhà máy này đặt tại làng Hoa (Thạnh Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam), ngay thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn. Dư luận lập tức dấy lên sự lo ngại về một tương lai u ám cho hạ nguồn con sông này.

Người dân lo về vấn nạn môi trường

Dự án Nhà máy thép Việt Pháp do Công ty TNHH thép Việt Pháp làm chủ đầu tư tổng diện tích thực hiện là 17,3 ha, quy mô 180.000 tấn/năm, vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Nhà máy này được di dời từ vị trí cũ tại xã Điện Nam Đông (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đến vị trí mới thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang).

img

Địa bàn thôn Hoa - nơi được chọn xây dựng Nhà máy thép Việt - Pháp. Ảnh: Văn Thủy

Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, là hệ thống sông lớn nhất vùng ven biển miền Trung. Toàn bộ lưu vực nằm ở sườn đông Trường Sơn có lượng mưa lớn, nguồn nước dồi dào, tiềm năng phát triển nguồn nước lưu vực đa dạng: Phát điện, cấp nước tưới, nước sinh hoạt, thủy điện, phòng chống lũ, đẩy mặn... Lượng nước từ hệ thống sông Vu Gia hiện đang cung cấp khoảng 250.000 m3/ngày đêm cho Nhà máy nước Cầu Đỏ của thành phố Đà Nẵng, chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại Đà Nẵng.

Trong quyết định phê duyệt, UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ: "Trong quá trình thực hiện dự án, nếu để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng phải dừng ngay các hoạt động gây ra sự cố, tổ chức ứng cứu khắc phục sự cố, thông báo khẩn cấp cho Sở TNMT và Phòng TNMT huyện Nam Giang để được chỉ đạo và phối hợp xử lý, chịu trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật".

Sáng 28.11, chúng tôi có mặt tại khu vực thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, để lắng nghe ý kiến của người dân chung quanh vấn đề xây dựng nhà máy thép. Bà Nguyễn Thị Thỏa (thôn Hoa) cho biết: “Chúng tôi chỉ mong việc đầu tư dự án gì cũng phải có lợi, phát triển kinh tế và giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống hơn, đặc biệt tôi mong muốn  các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm đến vấn đề môi trường, an toàn nguồn nước cho nhân dân sử dụng và đảm bảo cuộc sống cho nhân dân…”.

Tương tự, ông Mông Văn Quảng, dân tộc Nùng từ Cao Bằng vào đây lập nghiệp năm 1991 cho biết, nếu nhà máy này xử lý chất thải không đạt tiêu chuẩn, xả ra môi trường theo khe xuống thì dân ở dưới Đại Lộc cũng bị ảnh hưởng chứ không riêng gì ở đây. “Về chủ trương xây dựng nhà máy, chúng tôi ủng hộ, nhưng các cấp, ngành phải đảm bảo vấn đề an sinh, môi trường và đền bù thỏa đáng cho chúng tôi khi thu hồi đất” - ông Quảng nói.

Ông Ka Phu Tân - Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ cho biết: “Sau khi có thông tin về việc xây dựng nhà máy thép, thị trấn Thạnh Mỹ và huyện Nam Giang đã tổ chức họp với 17 hộ tại tổ 3, thôn Hoa để thông báo những thông tin liên quan đến dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp. Chúng tôi kiến nghị cần tổ chức họp toàn bộ nhân dân thôn Hoa để lấy ý kiến người dân trước khi xây dựng nhà máy để đảm bảo tính khách quan…”.

Mỗi ngày chỉ thải 19,5m3 nước sinh hoạt?

Trước đó, để giải thích về quy trình sản xuất thép của Nhà máy thép Việt Pháp và trả lời về sự lo ngại của UBND TP.Đà Nẵng liên quan đến nhà máy thép ở thượng nguồn có gây ô nhiễm không, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn giải thích về công nghệ sản xuất của Nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp là chỉ nấu sắt thép phế liệu ra phôi thép khác với Formosa Hà Tĩnh là tổ hợp các nhà máy luyện cán thép, nhiệt điện...

Về quy trình sản xuất, dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp sử dụng công nghệ lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu rồi sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải. Về nước thải, chủ yếu phát sinh nước thải sinh hoạt với khối lượng khoảng 19,5m3/ngày, được xử lý sơ bộ sau đó qua bể kỵ khí có vách ngăn mỏng (Bastaf) đến bể hiếm khí, bể khử trùng và cuối cùng qua bể sinh học (có lót đáy) xử lý đạt quy chuẩn và thải ra môi trường.

Ngoài ra, lượng nước thải sản xuất chủ yếu là nước làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng lại, không thải ra môi trường.

“Nhà máy sử dụng công nghệ lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu (sắt thép phế liệu) để sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải và tiềng ồn. Đối với nguồn nước thải sản xuất của nhà máy là tuần hoàn không thải ra môi trường, không ảnh hưởng đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân tại TP.Đà Nẵng.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam không thông tin, lấy ý kiến từ UBND TP. Đà Nẵng đối với việc nghiên cứu đầu tư thực hiện dự án này. Trong quá trình đầu tư, phát triển KT-XH, tỉnh Quảng Nam xác định không đánh đổi môi trường để tăng trưởng và luôn quan tâm đến các tác động của các dự án đến đời sống nhân dân trong tỉnh và các khu vực lân cận, nhất là khu vực hạ du lưu vực các sông…” - ông Huỳnh Khánh Toàn nhấn mạnh.