Hợp tác xã (HTX) Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận được thành lập đầu tháng 9.2016 với 11 thành viên. Ngay từ đầu, HTX đã khoanh vùng 50ha liền kề nhau của các hộ thành viên để tạo thành một vùng nguyên liệu ở xã Nhân Cơ. Những hộ thành viên canh tác cây tiêu trên diện tích này phải tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị, sự hướng dẫn của bộ phận kỹ thuật và sự giám sát chặt chẽ của ban kiểm soát môi trường của HTX.
Nhiều hộ nông dân ở Đăk Nông đã chuyển sang trồng tiêu hữu cơ, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Ảnh: S.N
Trồng tiêu theo hướng hữu cơ đã mang lại cho các thành viên của HTX hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận nhiều hiệu quả lớn. Ông Đặng Tấn Huynh – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Tiêu hữu cơ Đồng Thuận cho hay: Cây ít bệnh, năng suất cà phê được nâng lên, trung bình đạt từ 3 - 4 tấn, chăm sóc tốt đạt từ 5 tấn trở lên. Khi thu hoạch, tỷ lệ trái chín chiếm trên 90% và được phơi, sấy, đóng bao bì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các thành viên còn được công ty mua cà phê nhân với giá cao hơn thị trường từ 1.000-4.000 đồng/kg.
Trước khi thành lập HTX, ông Huynh đã có hơn 7 năm sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ. Ông Huynh cho biết: “Nhiều năm nay, tôi không lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc vườn tiêu nữa mà chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học của các viện nghiên cứu. Các chế phẩm này giúp phòng trừ tuyến trùng, nấm bệnh hại rễ hồ tiêu hiệu quả nên cây trồng phát triển tốt. Cũng từ khi sản xuất theo hướng hữu cơ, nguồn nước giếng không còn bị ô nhiễm như trước đây nữa. Tỷ lệ cây bị chết giảm khoảng 50% so với bón phân hóa học, còn chi phí thấp hơn từ 30 - 50% tùy từng loại. Tôi thành lập HTX cũng vì mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho bà con, kết nối thị trường và tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng”.
Theo ông Huynh, sản phẩm của HTX đều được các công ty thu mua và xuất khẩu, còn nội địa khó tiêu thụ hoặc tiêu thụ được nhưng bằng giá với tiêu được trồng theo quy trình thông thường. “Mình sản xuất ra sản phẩm tốt nhưng khó quá, vì nếu bán với giá như tiêu thường, tiêu bẩn được bán lẫn lộn trên thị trường, người sản xuất sẽ bị lỗ. Việt Nam cũng chưa có một bộ chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ, nên vẫn có sự nhập nhằng. Sản phẩm tiêu hữu cơ của tôi được một số công ty thu mua và xuất khẩu sang nước ngoài dưới thương hiệu và nhãn mác của công ty. Để người nông dân tự mình lấy được chứng chỉ của nước ngoài tốn kém và không thể thực hiện được” – ông Huynh chia sẻ.