Dân Việt

Thưởng tết 2017: DN nông nghiệp cố mức thưởng “coi cho được”

Quốc Hải - Thuận Hải 30/11/2016 07:00 GMT+7
Dù mức thưởng tết nguyên đán 2017 tại phần lớn các doanh nghiệp ngành nông nghiệp vẫn đang trong “vòng bí mật”, nhiều ông chủ vẫn thể hiện quyết tâm tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động.

img

Công nhân sơ chế chanh không hạt RICA để xuất khẩu. Ảnh Thuận Hải

Khó mấy vẫn cố gắng thưởng tết

Ở lĩnh vực phân bón, tình hình kinh doanh năm 2016 gặp khá nhiều bất lợi bởi yếu tố thời tiết, cạnh tranh của các hãng phân ngoại, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan... Tuy nhiên, các doanh nghiệp phân bón vẫn “quyết tâm” đảm bảo mức thưởng tết cho cán bộ, công nhân viên, ở mức “cho coi được”.

Tại Công ty CP Vật Tư Kỹ Thuật Nông Nghiệp Bình Định, ông Nguyễn Minh Thắng, Trưởng bộ phận phát triển thị trường của nhãn hiệu phân bón Mặt Trời Mới, cho biết, năm nay tình hình sản xuất dù có khó khăn nhưng nhờ chiến lược kinh doanh hiệu quả, thương hiệu phân bón Mặt Trời Mới cũng tạo được uy tín trên thị trường nên chắc chắn mức thưởng tết sẽ cao hơn năm trước.

“Hiện tại công ty chưa đưa ra mức thưởng cụ thể nhưng để khuyến khích và động viên cán bộ công nhân viên công ty đã nỗ lực trong suốt năm qua, mức thưởng tết năm nay sẽ cao hơn năm trước”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Phân bón Việt Mỹ  cho biết, Ban giám đốc công ty sẽ cố gắng hết sức để tạo cho CB-CNV công ty có mùa tết ấm cúng.

Ông Hoàng Anh cho rằng, đây là năm thứ 2 liên tiếp công ty gặp khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh, bởi các yếu tố thời tiết. Hy vọng sắp tới thời tiết tốt hơn thì sản phẩm sẽ tiêu thụ tốt hơn, góp phần cải thiện kế hoạch kinh doanh hiện tại.

“Về chuyện thưởng tết, có lẽ sẽ không được như năm ngoái nhưng Ban lãnh đạo công ty đã thống nhất chủ trương tạo điều kiện tốt nhất cho anh em, công nhân viên về quê ăn tết vui vẻ”, ông Hoàng Anh khẳng định.

Khó khăn không kém, ông Hưng Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tơ tằm Á Châu cũng cho biết, năm nay tình hình đơn hàng khá khó khăn nên khối văn phòng của công ty có lẽ là không có thưởng tết. Tuy nhiên, với đội ngũ công nhân thì dù "chắt bóp” thế nào cũng phải đảm bảo thưởng 1 tháng lương để công nhân có thể mua sắm, chi tiêu trong những ngày tết.

Chuyện cần lo là đời sống lâu dài

Trong khi đó, điều khiến nhiều ông chủ doanh nghiệp hiện nay lo lắng hơn cả vấn đề thưởng tết, đó là việc đảm bảo đời sống thường nhật cho cán bộ, công nhân viên trong suốt một năm làm việc sắp tới.

img

Năm nào bà Ba cũng chuẩn bị sẵn phong bao “lì xì” để mừng tuổi các công nhân đã gắn bó với bà trong suốt năm qua.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, chế biến thủy hải sản là một trong những ngành cần nhiều lao động. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp thủy sản năm qua đã rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất.

Nguyên nhân của những khó khăn này, là do thị trường xuất khẩu sụt giảm, ảnh hưởng của sự cố môi trường Formosa, thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn… Do đó, doanh thu nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh, ảnh hưởng tới thu nhập của cán bộ, công nhân lao động.

Chưa hết, điều khiến các doanh nghiệp thủy sản lo lắng hơn nữa là từ ngày 01.01.2017 tới đây, mức lương tối thiểu sẽ tăng thêm từ 180.000 – 250.000 đồng/tháng tùy vùng. Trong khi đó, hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã và đang trả lương cho người lao động cao hơn lương tối thiểu từ 50 -70%.

Ông Hòe cho rằng, thực tế lương tối thiểu là lương nền cho việc đóng các khoản bảo hiểm và kinh phí công đoàn nên tăng lương tối thiểu chỉ làm tăng thêm phần nộp vào quỹ bảo hiểm và quỹ kinh phí công đoàn. Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ đè nặng thêm đôi vai của các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Không có cách nào khác, nếu không “gánh” nổi, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, giảm chi phí, đồng thời sức cạnh tranh giảm thêm trên thị trường khắc nghiệt thế giới”, ông Hòe nhận định.

Còn bà Bùi Thị Ba – Chủ cơ sở sản xuất chanh không hạt thương hiệu RICA (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), đơn vị có 20 lao động thường xuyên tại nhà xưởng. Tất cả những lao động này đều là người địa phương, là bà con hàng xóm nên bà Ba mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho đời sống các nhân công.

Năm nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của bà Ba đều khá tốt, bà vừa có thêm một số đơn hàng với các đối Trung Quốc cũng như một số đối tác nhận phân phối sản phẩm chanh không hạt và ổi sạch. Do đó, bà Ba cũng rất hào hứng chuẩn bị tiền “lì xì”, “mừng tuổi” cho anh chị em trong xưởng cũng như những nhân công phụ bà chăm sóc, thu hoạch trong vườn.

“Quan trọng là mình sản xuất sạch để phát triển bền vững, anh chị em lao động cũng có thêm công ăn việc làm và thu nhập ổn định trong suốt một năm tới”, bà Ba chia sẻ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tại Hà Nội, mức thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 cao nhất là 100 triệu đồng, thuộc về một doanh nghiệp có vốn FDI, và người có mức thưởng thấp nhất là 450.000 đồng/người, cũng thuộc doanh nghiệp FDI.

Còn tại TP.HCM, người có mức thưởng cao nhất là 600 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp dân doanh) và người có mức thưởng thấp nhất là 3,09 triệu đồng/người ở doanh nghiệp FDI.