Theo đánh giá của giới đầu tư, quy mô vốn hóa thị trường của sàn UPCoM hiện nay đã bỏ xa sàn HNX và dự báo sẽ “ngang ngửa” với HOSE trong thời gian tới khi các doanh nghiệp nhà nước lần lượt thoái vốn gia nhập.
Hấp dẫn thương vụ M&A từ các... “ông lớn” nhà nước
Nếu giai đoạn trước, nói đến UPCoM, nhà đầu tư thường liên tưởng đến một thị trường như “chợ trời” với những mã chứng khoán “thứ cấp” có chất lượng tài chính kém, thanh khoản thấp, thông tin ít minh bạch… thì nay, nhiều mã trên sàn giao dịch này đã trở thành cổ phiếu “nóng” của thị trường. Trong đó có nhiều cái tên khá quen thuộc như: Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Vissan (VSN); Masan Consumer (MSF); CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT)...
Đặc biệt, mới đây nhất là Tổng CTCP Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) và CTCP Viễn thông FPT (FPTTelecom) cũng dự kiến sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM trong tháng 12 này khiến cho nhà đầu tư càng thêm... sôi sục.
Một chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nói, UPCoM hiện đang là “mảnh đất màu mỡ” cho nhà đầu tư muốn M&A các doanh nghiệp nhà nước bởi quy mô giao dịch của UPCoM ngày càng lớn, nhiều doanh nghiệp nhà nước “buộc” phải giao dịch trên UPCoM khi tiến hành thoái vốn. Đặc biệt, biên độ dao động giá lên tới 15% là nguyên nhân khiến UPCoM càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư chuyên nghiệp đến từ nước ngoài.
Có thể thấy rõ, chỉ trong một thời gian ngắn khi một loạt các “ông lớn” nhà nước đăng ký giao dịch trên UPCoM thì quy mô của sàn này ngày càng phình to.
Cụ thể, nếu tính thời điểm giữa tháng 10 (15.10.2016), trên sàn UPCoM có 345 cổ phiếu đăng ký giao dịch với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt 84.250 tỷ đồng, giá trị vốn thị trường đạt 124.350 tỷ đồng; thì đến thời điểm cuối tháng 11 này, chỉ sau 1,5 tháng thì UPCoM đã có 377 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, với tổng giá trị đăng ký giao dịch 116.451 tỷ đồng, vốn hóa đạt 253.395 tỷ đồng.
Như vậy, giá trị vốn hóa thị trường niêm yết của UPCoM còn cao gấp 1,7 lần so với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX - đạt 145.000 tỷ đồng).
Cần cơ chế “thông thoáng” hơn
Dù thị trường UPCoM đang tăng trưởng rất nhanh về quy mô vốn hóa cũng như thanh khoản, song mức độ quan tâm của nhà đầu tư phần lớn chỉ tập trung vào một lượng nhỏ cổ phiếu chất lượng trên sàn này. Thế nên, không gì là ngạc nhiên khi trên UPCoM có những cổ phiếu thanh khoản còn cao hơn cả trên sàn niêm yết, đồng thời cũng có những mã chứng khoán triền miên không có giao dịch.
Về vấn đề này, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, điểm yếu duy nhất của UPCoM là tài trợ vốn cho nhà đầu tư lướt sóng. Theo đó, quy định tại Quyết định số 637 về việc ban hành quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán, cổ phiếu để được giao dịch ký quỹ (margin) yêu cầu đầu tiên là phải niêm yết với thời gian từ 6 tháng trở lên và đáp ứng các yêu cầu về tài chính khác. Đây là nguyên nhân khiến nhiều mã cổ phiếu không được phép giao dịch ký quỹ.
“Thực trạng này đã khiến UPCoM trở nên bớt hấp dẫn hơn, do không được sử dụng đòn bẩy tài chính. Theo tôi, nếu cổ phiếu trên UPCoM mà thanh khoản tốt, sinh lời cao thì chẳng lý do gì để không cho vay đầu tư cả”, chuyên gia này nói.
Trong khi đó, ở góc độ là nhà đầu tư nghiệp dư, anh Nguyễn Trọng Mạnh (Q.3) cho rằng, UPCoM giống như một “kho báu” chìm dưới đất, muốn tìm thấy nó phải kiên nhẫn đào xới để tìm ra những mã cổ phiếu giá trị đang còn tiềm ẩn.
“Dù khá hấp dẫn nhưng chơi trên sàn UPCoM cũng khá bực bội vì bảng giá UPCoM khá rối, nhìn không kỹ sẽ bị tính giá sai bét nhè. Mấy lần tôi mua hụt cổ phiếu vì lầm tưởng giao dịch khớp lệnh và giá tính sai bét khi gom luôn cả phần thỏa thuận vào. Bây giờ muốn xem chính xác thì phải mở trang của một công ty chứng khoán khác ra xem, tách phần giao dịch thỏa thuận ra mới tính toán giá chính xác”, anh Mạnh nói.