Dân Việt

Để niềm tin không bị đánh cắp

Phạm Hoàng Lan 01/12/2016 09:50 GMT+7
Trong đêm đông giá rét, một bé sơ sinh kháu khỉnh được phát hiện bỏ trong chiếc làn cùng bình sữa, tã, khăn bông và một mảnh giấy ở ngay cổng chùa tại phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên.

Trước đó, tại thành phố Hà Tĩnh, một bé trai 10 tháng tuổi trắng trẻo, dễ thương đã bị bỏ lại trong thùng xốp, đặt trước ngôi nhà ở phường Tân Giang với hơn trăm ngàn bạc lẻ cùng đôi ba dòng nhắn nhủ "Đứa bé sinh ra bình thường, bố mẹ đã mất. Ai nhặt được nhờ nuôi hộ bé trưởng thành".

img

Bé trai 10 tháng tuổi bị bố mẹ bỏ rơi tại Hà Tĩnh đã có người nhận chăm sóc.

Hình ảnh những em bé này hiện ra trên các trang báo đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của tôi. Tôi bỗng nhiên suy nghĩ, có thể người thân của bé sẽ đau xót gấp nghìn lần khi quyết định bỏ rơi máu mủ của mình giữa đường khuya hoang lạnh.

Cha mẹ em bé 10 tháng tuổi đó có thực sự đã mất như những gì trong thư để lại hay không giờ đây đã đâu còn quan trọng nữa. Lúc này, thông tin quan trọng nhất, ấm áp nhất là em bé đã được gia đình chị Bích - người đầu tiên phát hiện ra bé nhận nuôi. Ai cũng cầu mong cho bé sẽ được đón nhận, nuôi nấng và lớn lên trong sự bao bọc ấm áp tình người.

Gần đây, ngày càng có nhiều hơn những em bé từ sơ sinh mới lọt lòng cho tới vài tháng tuổi bị mẹ cha bỏ lại nơi vệ đường, quán ăn, bên cổng chùa, trong bệnh viện... với những lý do rất "hoàn cảnh". Hẳn nhiên nhiều người sẽ bất bình khi nghe đến hai chữ “hoàn cảnh”. Chúng ta đương nhiên nghĩ rằng chả có hoàn cảnh nào buộc ta phải từ bỏ núm ruột của mình. Đó là sự nhẫn tâm, là điều không thể chấp nhận được.

Những thiên thần bị chối bỏ bằng cách này hay cách khác luôn khiến người ta thấy nhói lòng, trách bậc làm cha làm mẹ nhẫn tâm, giận đạo đức xuống cấp khiến con người ngày càng tệ bạc.

Tôi cũng từng phẫn nộ trước thông tin một em bé vừa chào đời chưa kịp cắt nhau rốn đã bị bỏ lại bên đường với lời nhắn nhờ người dưng nuôi dưỡng hộ. Tôi cũng từng đau xót khi bắt gặp ánh mắt ngơ ngác của bé gái chưa đầy 10 tuổi bị cha mẹ bỏ rơi từ khi còn đỏ hỏn, lớn lên trong ngôi chùa hẻo lánh nằm sát mép sông Hồng xa xa kia.

Đã không ít lần, trái tim tôi gào thét rằng, tại sao lại có người phụ nữ nhẫn tâm đến thế. Tôi cũng giống như nhiều người khác, từng phán xét, từng lên án những hành động chối bỏ, vứt con là vô nhân, ác độc.

img

Những đứa trẻ bị bỏ rơi được thầy Thích Thiện Chiếu (trụ trì chùa Kỳ Quang 2, TP.HCM) chăm sóc, nuôi dưỡng. Thanh Niên online

Thế nhưng sau sự việc em bé sơ sinh tại Thái Nguyên và bé trai 10 tháng tuổi bỏ rơi tại Hà Tĩnh, bỗng nhiên tôi suy nghĩ, biết đâu mình người ngoài đau xót một, thì những người làm mẹ phải bỏ con kia đau xót gấp ngàn lần. Đặt giả thuyết một cách khiên cưỡng như thế, rồi hình dung một cách bất nhẫn rằng nếu không đau xót, nếu thực sự nhẫn tâm, có thể họ đã đem con mình đi bán, hoặc giả, đã bỏ bé đi sớm hơn bằng cách này hay cách khác… như nhiều người khác từng làm.

Tôi tự tưởng tượng, đã nuôi con được đến 10 tháng tuổi, một đứa bé với hình dung đẹp đẽ ấy hẳn cũng đã nhận được sự chăm sóc tử tế cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của bậc sinh thành... Nghĩ thế nên đột nhiên tôi muốn mở lòng ra, dẹp bỏ sự oán trách, cất đi những phán xét, để chỉ còn lại một niềm mong mỏi vô cùng, đó là những thiên thần bị vứt bỏ ấy sẽ được đón nhận ở một nơi ấm áp hơn, tử tế hơn. Và càng mong hơn, phía sau những thùng xốp nằm chơ vơ lạnh giá kia, là ánh mắt đang chăm chú dõi con theo con từ một góc khuất nào đó, dõi theo đến khi đứa trẻ bình an trong tay một người lương thiện…

Xã hội thời điểm này thời điểm khác có thể nơi nào đó bất an, nhưng sự an yên luôn ở sẵn trong tâm mỗi người. Chúng ta có lẽ hơn bao giờ hết, cần phải nhìn đời theo hướng tươi đẹp hơn, để niềm tin không bị đánh cắp, để rộng lòng cho chính mình bớt cảm thấy đớn đau trước những mảnh đời bất hạnh hơn ta cả nghìn lần.