Dân Việt

Đổi giấy phép lái xe hay kiểu “làm luật” gây sợ hãi

Hoàng Linh 03/12/2016 11:45 GMT+7
Tại cả Hà Nội và TP.HCM, người dân sợ bị phạt, thi lại lý thuyết do chưa đổi giấy phép lái xe bằng chất liệu PET nên đã đổ xô đi đổi bằng lái ở các điểm đổi giấy phép lái xe của hai Sở GTVT ở hai thành phố này.

Tâm trạng này là dễ hiểu khi hàng triệu người khi cầm giấy phép lái xe không thời hạn trong tay nhưng lại bị “đe” phải thi lại lý thuyết nếu đổi sang thẻ PET trễ hạn.

img

Những ngày qua, người dân Hà Nội đổ xe chen chúc đi đổi giấy phép lái xe

Cụ thể, Điều 57 Thông tư 58 của Bộ GTVT quy định giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang loại mới bằng vật liệu PET theo lộ trình: Giấy phép lái ôtô và lái xe hạng A4 trước ngày 31.12.2016; giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) trước 31.12.2020. Sau 6 tháng, người không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại giấy phép lái xe.

Điều luật này tước đoạt quyền đương nhiên của công dân khi đã lấy giấy phép lái xe đã được Luật dân sự và Luật giao thông đường bộ bảo hộ. Theo Khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định điều kiện của người lái xe tham gia giao thông bao gồm: độ tuổi, sức khỏe và giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trong thời gian có giá trị của giấy phép lái xe, quyền sở hữu, sử dụng giấy phép của người có giấy phép lái xe được pháp luật bảo đảm.

Việc Thông tư  58/2015/TT-BGTVT quy định giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng bằng giấy bìa bắt buộc phải chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET là không có cơ sở pháp lý.

Đó cũng chính là nguyên nhân gây nên làn sóng ùn ùn đi đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET làm tổn hại diện rộng cho xã hội một cách không cần thiết.

Cụ thể, tại cả Hà Nội và TP.HCM, người dân sợ bị phạt, thi lại lý thuyết do chưa đổi giấy phép lái xe bằng chất liệu PET nên đã đổ xô đi đổi bằng lái ở các điểm đổi giấy phép lái xe của hai Sở GTVT ở hai thành phố này.

Và dù báo chí đã “ra sức” thông tin, những người có trách nhiệm đã lên tiếng, thông tư của Bộ GTVT đã bị “tuýt còi” nhưng hiện trạng người dân ùn ùn đi đổi giấy phép lái xe vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Thậm chí, thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) - khẳng định với truyền thông, giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng thì người dân vẫn sử dụng được và CSGT không thể xử phạt.

Theo ông Quân, rõ ràng việc bắt người dân làm từ cái nọ sang cái kia là không phù hợp, bởi khi còn thời hạn sử dụng thì giá trị pháp lý như nhau. Giấy phép lái xe còn thời hạn thì vẫn sử dụng được. Câu chuyện này cũng giống như việc đổi chứng minh nhân dân vậy. Chúng tôi cho phép người dân sử dụng chứng minh nhân tới khi hết thời hạn sử dụng 15 năm mới phải đi đổi, ngành công an vẫn công nhận những chứng minh nhân dân cũ nhưng còn thời hạn.

“Như vậy, có thể thấy, nếu bắt buộc đổi giấy phép lái xe từ loại bìa giấy sang thẻ PET thì chắc chắn không phù hợp, bởi những việc ấy đều do Nhà nước ban hành, quy định nên phải chấp nhận giá trị sử dụng cho tới khi hết thời hạn. Nếu người dân thích đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET vì thấy tiện ích hơn thì đó là quyền của họ. Như thế mới bớt phiền hà cho người dân. Giấy phép lái xe còn giá trị thì không ai xử phạt được chuyện đó. Tất nhiên Bộ Giao thông vận tải có quyền quy định về việc này nhưng nên làm như thế nào cho thuận lợi với người dân là tốt nhất” - Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết thêm.

img

Người dân thành phố Hồ Chí Minh cũng vật vã khi đi đổi giấy phép lái xe. VNE

Chợt nghĩ vì sao những người soạn luật lại muốn tác đồng đến công dân bằng nỗi sợ??? Chúng ta không biết và cũng không nên suy đoán, chỉ biết rằng lần này nó bị “lộ” vì nội dung quy định trái với luật và bị “tuýt còi”.

Kiểu “làm luật tắc trách” chỉ thích hợp với các luật về tội phạm và xử phạt hành chính, áp dụng với công dân có lỗi hành vi, không phù hợp với các dịch vụ công, trong đó đối tượng thụ hưởng lại không có lỗi.

Việc đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET cần được khuyến khích chứ không phải chế tài vì không có lỗi để chế tài.