Dân Việt

Những huyền thoại về Fidel Castro - chiến binh của thế kỷ XX

Lê Ngọc Anh 04/12/2016 09:35 GMT+7
“Tôi muốn nói với dân tộc này và với các bà mẹ Cuba rằng: tôi sẽ giải quyết tất cả các vấn đề của chúng ta mà không phải đổ một giọt máu nào. Tôi khẳng định với các mẹ rằng các mẹ sẽ không bao giờ phải khóc bởi chúng tôi" - vị lãnh tụ Fidel Castro đã đọc bài diễn văn mừng chiến thắng của mình trong một trại lính.

img

Tháng 1 năm 1959, trong tiết trời không lạnh lắm của mùa Đông miền nhiệt đới, Fidel Castro, lãnh đạo đội quân giải phóng tiến vào thủ đô La Habana, Cuba và đọc bài diễn văn mừng chiến thắng của mình trong một trại lính.

Đó có lẽ là một trong những khoảnh khắc giàu cảm xúc nhất mà nhân loại từng chứng kiến trong thế kỷ XX. Một con bồ câu trắng ở đâu đó bay đến và đậu lên vai phải của Fidel. Người lãnh tụ của cách mạng Cuba cũng vài lần tìm cách để đuổi con bồ câu bay đi nhưng không được.

Fidel nói: “Tôi muốn nói với dân tộc này và với các bà mẹ Cuba rằng: tôi sẽ giải quyết tất cả các vấn đề của chúng ta mà không phải đổ một giọt máu nào. Tôi khẳng định với các mẹ rằng các mẹ sẽ không bao giờ phải khóc bởi chúng tôi”.

Trong suốt những năm tháng về sau, xung quanh hình tượng của Fidel luôn nhiều giai thoại. Cả những người ngưỡng mộ và kẻ thù của ông đều kể ra những câu chuyện mà không nhiều người kiểm chứng được. Hàng trăm cuốn sách, bộ phim tài liệu, hàng nghìn bài báo cố gắng để khắc họa chân dung ông nhưng đều chỉ có thể phản ánh một góc nào đó. Fidel thì ngược lại, dù nổi tiếng bởi những bài diễn văn kéo dài sáu, bảy giờ đồng hồ liên tục nhưng ông rất ít khi nói về mình. Dường như trong đầu của vị lãnh tụ Cuba lúc nào cũng chỉ có những ý tưởng cách mạng, những trăn trở về tương lai của nhân loại và của dân tộc Cuba.

Chiến binh không khoan nhượng

Một buổi trưa hè oi bức ở thủ đô La Habana năm 2004, tôi đứng lẫn trong đám đông hơn 1 triệu người dân Cuba xuống đường phản đối đế quốc Mỹ. Thời điểm đó Cuba vừa bị chính quyền của tổng thống George W Bush đưa vào “trục ma quỷ” cùng với Iraq và Bắc Triều Tiên. Quốc đảo Caribe bị kết tội tài trợ cho khủng bố. Chính phủ Mỹ trình vừa trình Thượng viện thông qua ngân sách 59 triệu USD để lật đổ chế độ Cuba. 

Đứng trên sân khấu ngày hôm ấy, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã 78 tuổi. Vẫn bộ quân phục màu xanh ô liu quen thuộc, trong cái nắng nhiệt đới chói chang, ông giận dữ lên án những âm mưu của chính quyền Mỹ. Ông khẳng định dân tộc Cuba sẽ chiến đấu đến người cuối cùng để bảo vệ những thành quả của cách mạng. Một cảm giác lạnh chạy dọc sống lưng tôi khi khép lại bài phát biểu, Fidel đã dùng chính câu chào của các võ sỹ giác đấu trong đấu trường La Mã để gửi thông điệp tới Washington. Ông nói “Vạn tuế Cesar! những kẻ sẽ chết xin chào ngài”.  

Chủ tịch Cuba Fidel Castro luôn là con người như vậy. Hơn 600 âm mưu ám sát của CIA không hạ nổi ông, những biến cố lớn và sức ép của lịch sử đều không khiến ông hoảng sợ. Từ cuộc xâm lược do CIA tổ chức tại Vịnh Con Lợn - Cuba năm 1961, khủng hoảng tên lửa năm 1962 cho đến sự tan ra của Liên Bang Xô Viết năm 1991, Fidel luôn kiên định để đưa Cuba đến với những giá trị mà ông tin tưởng. Những giá trị đó là bình đẳng xã hội, người không được bóc lột người. Đó là y tế, giáo dục và các phúc lợi xã hội miễn phí dành cho tất cả mọi người. Trên hết đó là Cuba phải được độc lập, tự chủ cả về chính trị, kinh tế lẫn ngoại giao trước mọi sức ép ngoại bang.

Fidel Castro Ruz sinh ra trong một gia đình gốc Tây Ban Nha ở miền Đông Cuba. Bố mẹ ông là địa chủ với một điền trang rộng lớn. Fidel tốt nghiệp đại học luật và đáng lẽ với địa vị của mình ông chẳng cần phải làm gì nhiều cũng sẽ có một tương lai sáng lạn. Nhưng lý tưởng đã khiến ông bỏ lại tất cả. Năm 1953, chàng luật sư 27 tuổi cùng với những người bạn của mình tiến hành cuộc tấn công vào trại lính Moncada để lật đổ chế độ độc tài Batista. Cuộc đảo chính bất thành ông bị kết án 15 năm tù giam nhưng được thả sau 2 năm thi hành án.

Năm 1953 tự bào chữa trước tòa án của chế độ độc tài Batista Fidel dõng dạc “Hãy cứ kết tội tôi đi, không quan trọng, lịch sử sẽ xóa tội cho tôi”. 

img

Cuộc cách mạng của những “người mơ mộng”

Thời tôi còn là sinh viên ở Cuba, có một giai đoạn truyền hình nhà nước rất hay phát một video về những hình ảnh của cách mạng trên nền bài hát “Imagine” của John Lennon. Phần cuối của bài là hình ảnh Fidel Castro và lời hát “Bạn có thể nói rằng tôi là một người mơ mộng. Nhưng tôi không phải là người duy nhất. Mong rằng có ngày bạn sẽ đến với chúng tôi và thế giới chúng ta có thể sống vì nhau”.

Một cách chính thức nhiều người Cuba vẫn thường nói rằng họ đang thực hiện một cuộc “cách mạng mộng mơ” nhưng từ bỏ giấc mơ đó vì những khó khăn thường nhật dường như không phải là một lựa chọn mà họ đặt ra.

Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Cuba thực sự đã rơi vào một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của mình. Đã có những giai đoạn người Cuba bị đói ăn, ngay ở thủ đô La Habana điện chỉ có để dùng vài tiếng mỗi ngày. Cho đến ngày hôm nay thủ đô của Cuba vẫn nổi tiếng bởi những chiếc xe ô tô tuổi đời 40 - 50 năm hay những căn nhà xập xệ hiếm khi có tiền tu sửa.

Tuy nhiên người Cuba vẫn có nhiều điều để tự hào. Đó là 100% trẻ em được đến trường. Tỷ lệ cử nhân đại học cao hàng đầu thế giới. Cứ 130 người dân Cuba lại có một bác sỹ chăm sóc. Tỷ lệ trẻ tử vong sau sinh thấp gần nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình của người dân là 79 tuổi ngang bằng với các nước phát triển.

Đã có nhiều ý kiến về việc Cuba cần phải xóa bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hay xây dựng nền kinh tế thị trường nhưng với ban lãnh đạo Cuba hiện nay có nhiều điều thuộc về lý tưởng mà Cuba không muốn đánh đổi. Tôi đã từng nói chuyện với nhiều nhà chính trị của Cuba đủ để hiểu rằng điều mà họ không bao giờ muốn thấy trở lại trên đất nước của mình là tình trạng phân biệt giai cấp, bất bình đẳng xã hội và phân hóa giàu nghèo. Một quan chức từng nói với tôi: “Fidel không phải chưa từng nghe thấy câu nói “mèo trắng, mèo đen, mèo nào bắt được chuột thì là mèo tốt”. Chỉ có điều Cuba quyết phải bắt được chuột bằng mèo trắng”.

Ngày hôm nay, tình hình kinh tế của Cuba đã tốt hơn trước rất nhiều. Có lẽ bằng những cải cách thận trọng nhưng chắc chắn người Cuba đang dần tìm ra “con mèo trắng” của mình. Cuộc cách mạng của những “người mơ mộng” dù sẽ vẫn còn rất lâu nữa để thành công nhưng ít nhất họ đã nhìn thấy những cơ sở để tiếp tục “mộng mơ”

Người bạn lớn của Việt Nam

img

“Vì Việt Nam chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” - câu nói bất hủ của Fidel Castro vào tháng 7 năm 1966 thường được xem là đỉnh cao trong mối quan hệ hữu nghị đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Cuba. Trong những năm học tại quốc đảo Caribe tôi có nhiều người bạn Cuba được bố mẹ đặt tên trong giấy khai sinh là Hà Nội, hay Nguyễn Văn Trỗi. Những cái tên đó dù khó phát âm trong tiếng Tây Ban Nha nhưng là tình cảm thực sự mà người dân Cuba dành cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. 

Trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, Chủ tịch Cuba Fidel Castro luôn là một trong những nguyên thủ quốc gia thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam một cách nhiệt tình và chân thành nhất. Tại nhiều diễn đàn Fidel khẳng định: Dân tộc Việt Nam đang phải đổ máu thay cho người Cuba, bởi Việt Nam và Cuba đều là 2 cái gai lớn nhất trong mắt đế quốc chính vì thế ủng hộ Việt Nam vừa là nguyện vọng những cũng là trách nhiệm của nhân dân Cuba.

Cũng vì thế Fidel luôn nghĩ đến những người bạn Việt Nam trong những câu chuyện nhỏ nhất. Đầu những năm 70 ông gửi cho đoàn đàm phán Việt Nam tại hội nghị Paris một điếu xì gà hảo hạng được sản xuất với những tiêu chuẩn đặc biệt kèm theo lời nhắn “để các đồng chí hút trên bàn đàm phán cho bọn đế quốc chết thèm”.

Năm 1973, ngay sau khi hiệp định Paris được ký kết, Fidel Castro là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên của thế giới đến thăm Việt Nam. Ông bất chấp mọi nguy hiểm để đi đến tận vĩ tuyến 17 thăm thành cổ Quảng Trị mới chỉ vừa giải phóng, khắp nơi vẫn còn nồng mùi thuốc súng.