Dân Việt

TQ phóng 10 tên lửa đạn đạo đủ sức “hủy diệt căn cứ Mỹ”

Đăng Nguyễn - Daily Mail 04/12/2016 15:10 GMT+7
Trung Quốc gần đây phô trương sức mạnh quân sự bằng cách phóng thử 10 tên lửa đạn đạo trong bối cảnh, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đang chuẩn bị nhậm chức vào tháng tới.

img

Tên lửa đạn đạo DF-21C/D của quân đội Trung Quốc.

Theo Daily Mail, vụ phóng thử tên lửa đạn đạo diễn ra vào tháng trước, trong bối cảnh ông Trump chỉ định nhân sự trong bộ máy chính quyền mới, bao gồm cựu tướng James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Thông tin về vụ phóng tên lửa được đăng tải trên kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Quan chức quân đội Trung Quốc nói trên Tân Hoa Xã rằng, loại vũ khí đáng sợ này “có thể huy diệt căn cứ Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương trong bất kỳ thời điểm nào”.

Truyền hình Trung Quốc xác nhận tên lửa phóng thử nghiệm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Rick Fisher, chuyên gia nghiên cứu về quân sự Trung Quốc nói, loại tên lửa Bắc Kinh thử nghiệm là DF-21C, với khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân.

DF-21C có tầm bắn 1.600 km và được thiết kế để tấn công mục tiêu trên đất liền. Phiên bản DF-21D cải tiến đóng vai trò chống hạm trong khi Trung Quốc đang phát triển loại tên lửa DF-21 mới có thể tiêu diệt vệ tinh.

img

Truyền hình Trung ương Trung Quốc đăng tải thông tin về vụ phóng thử tên lửa.

Chuyên gia Fisher bình luận trên Washington Free Beacon: “Quân đội Trung Quốc đang gõ trống, khua chiêng cho cuộc chiến tranh tâm lý”.

Trước khi chính thức trở thành tổng thống, ông Trump đã phá vỡ quy tắc ngoại giao hàng thập kỷ qua, khi trao đổi qua điện thoại với nhà lãnh đạo vùng lãnh thổ Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trao công hàm "kiên quyết phản đối" với "phía Mỹ", kêu gọi xử lý vấn đề Đài Loan một cách cẩn trọng nhằm tránh bất cứ biến động không cần thiết nào trong quan hệ.

"Nguyên tắc Một Trung Quốc là nền tảng chính trị cơ bản của quan hệ Trung - Mỹ".

Hiện không rõ cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Đài Loan và ông Trump là dấu hiệu cho thấy Washington có rời xa khỏi nguyên tắc “Một Trung Quốc” hay không. Điều này dấy lên mối lo ngại về cách Donald Trump xử lý các vấn đề quốc tế.