Dân Việt

Kháng kháng sinh, trách nhiệm thuộc về ai?

Mai Quốc Ấn 05/12/2016 08:07 GMT+7
Trừ những người buôn bán thuốc chuyên nghiệp, tôi chưa thấy ai đi mua thuốc mà trả giá đắt hay rẻ cả. Vì không thể trả giá bằng tiền, hãy tìm hiểu thật kỹ về loại thuốc mà bạn cần mua. Nếu không, bạn sẽ trả giá bằng sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng của mình và người thân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi năm sẽ có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó 1,4 triệu trẻ em và phải chi hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Trong đó, đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng...Tôi tự hỏi, trách nhiệm đó của ai?

Con số nói trên trích từ nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự đoán về tác hại do sử dụng kháng sinh đến 2050. Hiện tại, cũng theo WHO, “chỉ có” 700.000 người chết mỗi năm vì kháng sinh. Với Việt Nam, số lượng thuốc kháng sinh ở nước ta bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần so với thời điểm từ năm 2009.

Nói một cách đơn giản, kháng sinh sử dụng nhiều sẽ khiến vi khuẩn gây ra bệnh tật “không sợ” nữa. Y học thế giới đã phát hiện ra (và vô cùng đau đầu) khi xuất hiện những vi khuẩn kháng... kháng sinh. Thậm chí là những siêu vi khuẩn kháng kháng sinh. Hiểu nôm na là bệnh lờn thuốc hay bệnh siêu lờn thuốc.

img

Người dân nào cũng có thể dễ dàng mua thuốc và không cần đơn.

Mức khủng khiếp nhất là loại vi khuẩn có thể kháng bất kỳ loại kháng sinh nào đang tồn tại trên đời này. Nhiễm nó đầu tiên là một phụ nữ ở Mỹ. Giờ đây có có khắp nơi trên toàn thế giới. Vi khuẩn HIV và bệnh AIDS còn có thuốc phơi nhiễm và điều trị. Riêng với siêu vi khuẩn kháng kháng sinh và các biểu hiện bệnh đa dạng của nó, ai “dính” phải coi như xác định... “đoàn tụ ông bà”!

Kháng sinh có khắp nơi: trong thuốc bảo vệ thực vật phun cho cây, trong thức ăn chăn nuôi hay tiêm trực tiếp cho vật nuôi, trong không khí, đất, nước ô nhiễm...Và bạn đừng ngạc nhiên nếu kháng sinh có trong bữa ăn hàng ngày của bạn!

Nếu ngạc nhiên, bạn nên tự hỏi vì sao nước ta nhập kháng sinh nhiều đến vậy? Vì thói quen có bệnh thì đi mua thuốc uống hay đi tiêm ngay lập tức? Bộ Y tế đã nghiên cứu việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh của người dân Việt Nam ở thành thị là 88%, trong khi ở nông thôn lên tới 91%. Điều đó cho thấy kiến thức về sử dụng thuốc của người Việt cực thấp. Bạn nghĩ mình trong nhóm số đông hay số ít?

Nếu không tìm hiểu điều đó, bạn có thể sẽ không bao giờ thắc mắc được với bác sĩ rằng tỷ lệ sử dụng kháng sinh trong vô vàn loại thuốc điều trị lại cao thế. Các bệnh viện tuyến trung ương, kháng sinh chỉ chiếm gần 30% chi phí điều trị trong khi các bệnh viện tuyến tỉnh là 35%, tuyến huyện là 45%. Tỷ lệ sử dụng kháng sinh càng cao, những nguy hiểm đã kể ở trên càng tăng.

Trừ những người buôn bán thuốc chuyên nghiệp, tôi chưa thấy ai đi mua thuốc mà trả giá đắt hay rẻ cả. Vì không thể trả giá bằng tiền, hãy tìm hiểu thật kỹ về loại thuốc mà bạn cần mua. Nếu không, bạn sẽ trả giá bằng sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng của mình và người thân.

Và bạn không thể không thắc mắc rằng cái hiểm họa đáng sợ ấy sẽ được các cơ quan chức năng kiềm chế bằng cách nào. Các cuộc đấu thầu thuốc có thực sự minh bạch chưa? Không ai dám chắc 100% câu trả lời. Tại sao những loại thuốc thế giới “chê” mà ta vẫn nhập?

Với vai trò là một người tiêu dùng, nếu chúng ta cứ tiếp tục im lặng, chấp nhận sử dụng mà không thắc mắc trước những câu hỏi đó thì là vô cảm. Và nghiễm nhiên, sự vô cảm cũng là một loại vi khuẩn – vi khuẩn “kháng” trách nhiệm.