Dân Việt

Tài xế vừa lái xe vừa ăn mỳ gói: Tử thần đâu biết thứ tha

Trần Ngọc Thọ 06/12/2016 08:19 GMT+7
Tài xế Hồ Thanh Dân đã thừa nhận hành vi vừa lái xe vừa ăn mỳ gói khi điều khiển xe khách mang biển số 49B-008.87 chạy tuyến Đà Lạt - Hà Nội, anh xin mọi người tha thứ. Có người giận dữ, trách móc, có người sẽ "tha thứ" cho anh Dân. Tuy nhiên, tôi chắc chắn một điều nếu như hôm đó có tai nạn xảy ra thì tử thần đã không "tha thứ"...

Sự việc tài xế xe khách tuyến đường dài Đà Lạt - Hà Nội chở trên xe hàng chục khách chạy ra Hà Nội vừa ăn mỳ gói vừa lái xe bị hành khách ghi lại bằng video những ngày qua làm dư luận "giật mình". Tài xế trong clip là anh Hồ Thanh Dân quê Bình Định có bằng lái hạng E và có kinh nghiệm gần 10 năm đã thừa nhận toàn bộ sự việc. Cụ thể sáng ngày 5.12, giãi bày với phóng viên Dân Việt, anh Dân nói:  "Sáng hôm ấy, tôi về nhà ngủ với con nên đến công ty bị muộn giờ không kịp ăn sáng. Do đã đến giờ xe phải xuất bến nên tôi vội gói bánh hỏi gói theo mang lên xe. Qua đèo Sông Pha (đèo Ngoạn Mục), đến đoạn đường vắng, tôi cứ nghĩ không có gì nguy hiểm nên đã mở gói bánh ra ăn. Thực ra việc dừng lại vài phút cũng không ảnh hưởng gì đến chuyến đi, nhưng thấy đoạn đường này vắng, rộng rãi, lại ngại dừng làm phiền hành khách nên tôi mở gói bánh ra ăn. Bữa ăn chỉ kéo dài chưa đến 3 phút vì chỉ có mấy lát bánh hỏi, tôi lùa mấy đũa là xong rồi". Anh Dân cũng cho biết anh quá hối hận và xin "mọi người rộng lòng thứ tha".

img

Anh Dân thừa nhận hình người vừa ăn mì vừa lái xe trong clip chính là mình

Tài xế Hồ Thanh Dân đã thừa nhận hành vi vừa lái xe vừa ăn mỳ gói khi điều khiển xe khách mang biển số 49B-008.87 và xin mọi người tha thứ. Có người giận dữ, trách móc, có người sẽ "tha thứ" cho anh Dân. Tuy nhiên, tôi chắc chắn một điều nếu như hôm đó có tai nạn xảy ra thì sẽ không thể tránh được thảm cảnh con mất cha, vợ mất chồng, ông mất cháu... Con người có thể tha thứ nhưng tử thần đâu biết "thứ tha". Và đặc biệt, điều làm tôi lo lắng là hành vi này của anh Dân và những tài xế sau này có hành vi tương tự lại không hề có chế tài xử phạt trong Nghị định 46.

Bởi dù Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.8.2016. Nghị định 46 được xây dựng công phu bởi các cấp, ngành và tốn rất nhiều thời gian, góp ý kiến, chỉnh đi chỉnh lại thế nhưng hành vi "ăn trong khi lái xe" quá nguy hiểm nhưng lại không có một điều khoản chế tài nào để xử lý. Đến cả đại diện trong ngành giao thông lẫn công an đều xác nhận như vậy.

Trao đổi với Dân Việt, ông Võ Quang Vũ - Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng) khẳng định, Thanh tra Sở GTVT tỉnh này đã tra theo Nghị định 46 về xử phạt vi phạm giao thông, nhưng không có điều khoản nào dùng để chế tài đối với hành vi của người lái xe nói trên nên "chịu". Đại tá Hồ Văn Lai - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Lâm Đồng) cũng cho biết trường hợp tài xế buông hai tay để ăn mì khi lái xe theo luật không thể xử phạt hành chính vì Nghị định 46 không quy định.

Cách đây không lâu, ở phía Bắc thôi, tôi từng ngồi trên chuyến xe khách từ Hà Nội đi Thái Nguyên và tôi cùng một số hành khách đã phải nhắc nhở một tài xế khi vừa lái xe vừa hút thuốc vừa chăm chăm cãi nhau kịch liệt với ai đó qua điện thoại và chả thèm nhìn đường.

img

Những vụ tai nạn xe khách thảm khốc như thế này không cho phép tài xế lơi là

Ở Việt Nam, bên cạnh những bác tài ý thức, "Vô lăng Vàng" thì không thiếu những tài xế tay cầm vô lăng, nắm giữ hàng chục sinh mệnh vẫn không thực sự ý thức về trách nhiệm, sự quan trọng nghề nghiệp đang làm của mình. Hành vi phổ biến nhất là vừa lái xe vừa hút thuốc, nói chuyện điện thoại khi điều khiển xe. Và điều này giúp lý giải vì sao 11 tháng qua đã có tới gần 8.000 người chết vì tai nạn giao thông.

Đã đến lúc dư luận cần khắt khe thực sự với những hành vi vô tình hay cố ý xem thường tính mạng người khác, cơ quan chức năng cũng phải xử lý nghiêm hành vi coi thường tính mạng hành khách kiểu này. Bởi nếu có hậu hỏa xảy ra thì dẫu có hối hận tới ngàn lần cũng không kịp. Và quan trọng hơn, dẫu đã ban hành và thực hiện nhưng Nghị định 46 có lẽ cần phải sửa.