Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
CNN ngày 5.12 đăng tải bài phân tích của Michael Auslin, chuyên gia về an ninh và chính trị châu Á thuộc viện nghiên cứu chính sách AEI (trụ sở tại Washington, Mỹ) về hệ quả của cuộc điện đàm phá vỡ quy tắc ngoại giao suốt 40 năm qua, giữa ông Trump và lãnh đạo vùng lãnh thổ Đài Loan.
Những người ủng hộ cuộc điện đàm giữa ông Trump và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho rằng, việc Trump tỏ ra kiềm chế cho thấy Bắc Kinh đang ở thế bị động, có lẽ là lần đầu tiên.
Một số người khác cho rằng đây là hành động khiêu khích mà Tổng thống đắc cử Donald Trump và nhóm chuyển giao quyền lực chưa suy tính kỹ.
Chuyên gia Auslin nhận định, Đài Loan thực tế là ranh giới đỏ không thể đàm phán trong quan hệ Mỹ-Trung. Bắc Kinh không hề ngồi yên và chờ xem ông Trump quyết định cải cách chính sách Mỹ với Đài Loan như thế nào.
Kể từ khi Mỹ cam kết tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” với Bắc Kinh, các bên đã hết sức thận trọng trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan.
Theo chuyên gia Auslin, Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận khả năng Đài Loan tách ra độc lập. Thậm chí là không loại bỏ khả năng sử dụng vũ lực.
Giáo sư Michael Auslin là chuyên gia về Châu Á và từng giảng dạy môn Lịch sử tại trường Đại học Yale, Mỹ.
Vẫn còn quá sớm để nhận định cuộc điện đàm sẽ tác động đến quan hệ Mỹ-Trung như thế nào, hay đây là sự khởi đầu học thuyết mới của ông Trump đối với châu Á. Nhưng theo chuyên gia Auslin, Mỹ nên bắt đầu nghĩ đến những bước đi đáp trả của Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh phản ứng kiềm chế không phải là điều ngạc nhiên, các quan chức Trung Quốc có thể đã biết về kế hoạch điện đàm từ trước, chuyên gia Auslin nói.
Khả năng Trung Quốc đáp trả Mỹ có thể sẽ nhằm vào các lợi ích lâu dài hơn là nhất thời. Điều đó có nghĩa là hành động của ông Trump có thể sẽ gây khó khăn hơn đối với các lợi ích của Mỹ ở châu Á.
Chuyên gia Auslin nhận định, Bắc Kinh có thể tăng cường số lượng tên lửa đạn đạo dọc theo bán đảo Đài Loan, qua đó loại bỏ hoàn toàn mối nghi ngờ về việc liệu Trung Quốc có thể đánh bại vùng lãnh thổ Đài Loan một cách chớp nhoáng hay không.
Trung Quốc có thể cắt giảm dịch vụ hàng không giữa đại lục và hòn đảo Đài Loan hay tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Bắc Kinh hoàn toàn có thể gây sức ép với 22 quốc gia còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Quan hệ Mỹ-Trung có thể phủ bóng đen dưới thời Donald Trump.
Khả năng Bắc Kinh tấn công mạng vào kho dữ liệu quân sự, tình báo Mỹ để gửi đi thông điệp là hoàn toàn có thể xảy ra. Trung Quốc cũng có thể dựa vào Triều Tiên để gây khó dễ cho Mỹ, bởi Bắc Kinh là nhân tố quan trọng nhất trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng.
Nhậm chức vào tháng 1 tới, ông Trump có thể sẽ phải đối mặt với hàng loạt những động thái đáp trả đến từ Trung Quốc, trong khi tỷ phú Mỹ vẫn chưa tập trung đủ đội ngũ an ninh quốc gia.
Chuyên gia Auslin phân tích, không một tân tổng thống Mỹ nào, đặc biệt là ông Trump, muốn để cho thế giới thấy nhà lãnh đạo Mỹ dễ dàng bị Trung Quốc “bắt nạt”. Do đó, bóng đen phủ kín quan hệ Mỹ-Trung trong một thời gian dài là viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhưng Washington không thể để cho vấn đề Đài Loan gây ảnh hưởng đến các chính sách dài hạn, vốn là cơ sở để xây dựng niềm tin và mối quan hệ hợp tác, hữu nghị.
Có thể nói, Mỹ vẫn cần phải xây dựng chiến lược quy mô ở châu Á và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ phải tìm cách để hài hòa giữa việc hỗ trợ Đài Loan và không làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, chuyên gia Auslin kết luận.