Học phí trần THCS, THPT theo các năm lần lượt là 4,1 triệu đồng; 4,5 triệu đồng; 4,9 triệu đồng; 5,3 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, ngày 6/12, Hà Nội đã thông qua nghị quyết về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, mức trần học phí mầm non, tiểu học chất lượng cao năm 2016-2017 là 3,9 triệu đồng, năm 2017-2018 là 4,3 triệu đồng; năm 2018-2019 là 4,7 triệu đồng và năm 2019-2020 là 5,1 triệu đồng/tháng.
Học phí trần THCS, THPT theo các năm lần lượt là 4,1 triệu đồng; 4,5 triệu đồng; 4,9 triệu đồng; 5,3 triệu đồng/tháng.
Hiện tại, học phí trường công chất lượng cao ở bậc mầm non trung bình 2,4 triệu đồng/tháng; tiểu học là 2,17 triệu đồng/tháng; THCS ở mức 2,4 triệu đồng/tháng; THPT ở mức 3,4 triệu đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sở dĩ liên Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Tài chính đề xuất tăng học phí nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị trong những năm đầu khi được công nhận chất lượng cao (tập trung cho việc nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín và thương hiệu của nhà trường) có mức thu học phí phù hợp không đột biến với phụ huynh.
“Tăng học phí cũng tạo điều kiện cho các trường có thời gian chuẩn bị tâm thế và nguồn lực tài chính tiến tới tự đảm bảo hoạt động chi thường xuyên”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lý giải.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, tiêu chí các trường chất lượng cao bao gồm: Cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; các dịch vụ chất lượng cao.
Theo đó, đối với trường học mầm non chất lượng cao như: Phải bảo đảm cơ sở vật chất được xây kiên cố; có 70% giáo viên đạt trình độ chuyên ngành trên chuẩn và có chứng chỉ tiếng Anh trình độ A, 10% có trình độ B).
Đối với trường tiểu học chất lượng cao bảo đảm có số phòng học cho học sinh học hai buổi/ngày (mỗi lớp không quá 30 học sinh); 100% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn theo quy định, ít nhất 80% giáo viên xếp loại xuất sắc theo chuẩn nghề nghiệp; 100% cán bộ quản lý, giáo viên có kiến thức và kỹ năng thực hiện phương pháp dạy học tích cực,..
Đối với trường trung học có 40% giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 80% cán bộ quản lý có bằng thạc sĩ trở lên đối với bậc THPT.