Dân Việt

Thiên thạch phát nổ biến đêm thành ngày ở Siberia

Đăng Nguyễn - RT 07/12/2016 14:55 GMT+7
Người dân ở Cộng hòa Khakassia ở tây nam Siberia chứng kiến cảnh thiên thạch khổng lồ lao xuống, biến bầu trời đêm bỗng sáng như ban ngày.

Theo RT, một số người may mắn ghi lại được cảnh tượng đáng kinh ngạc này qua ống kính camera.

“Đầu tiên, tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Đột nhiên mọi thứ sáng lên. Dù không hoàn toàn giống ánh sáng ban ngày nhưng vẫn khá sáng", nhân chứng Olga Sagalakova nói với RT.

Sagalakova nói thêm: "Chúng tôi đang ngắm ngọn núi gần đó... và thấy thiên thạch khổng lồ bay qua. Nó có một cái đuôi dài. Tôi cảm thấy rất sợ, nghĩ rằng đó là một quả bom”.

img

Ảnh minh họa.

Thiên thạch rơi xuống Siberia có thể được nhìn thấy dọc theo khu vực Khakassia và vùng Krasnoyarsk lân cận, người dân địa phương nói. Thiên thạch nhìn rõ nhất tại thị trấn Sayanogorsk.

Nhân chứng cho biết, họ nhìn thấy thiên thạch trong khoảng ba hay bốn giây và khoảng nửa phút sau có một tiếng nổ lớn khiến còi báo động xe hơi hú inh ỏi khắp nơi.

"Nó rất đẹp. Không có nhiều cơ hội thấy điều này mỗi ngày", nhân chứng Sergey Isaykin nói. “Chúng tôi đã sợ rằng vụ việc giống những gì từng xảy ra tại Chelyabinsk 3 năm trước”.

img

Thiên thạch khoảng 10-15 mét lao xuống Trái đất.

Năm 2013, thiên thạch rơi xuống vùng Chelyabinsk và phát nổ khiến 1.200 người bị thương. Các nhà khoa học nói năng lượng mà thiên thạch này giải phóng tương đương với một quả bom nguyên tử nhỏ.

Người dân địa phương đồn đoán rằng đây có thể là mảnh vỡ rocket lao xuống đất hoặc sản phẩm công nghệ lỗi. Chính quyền địa phương trấn an người dân, nói vụ nổ và việc vật thể bốc cháy là hiện tượng bình thường. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại sau vụ việc này.

Nếu như có bất kỳ mảnh vỡ thiên thạch nào chạm được đất mặt đất, chúng có thể đã rơi xuống Babik Valley, đại diện chính quyền địa phương nói trên TASS, nhấn mạnh nhóm điều tra đã được đưa đến hiện trường.

img

Thiên thạch rơi khiến bầu trời rực sáng trong đêm.

“Thiên thạch bé hơn nhiều so với sự kiện xảy ra ở Chelyabinsk. Nhưng mảnh vỡ vẫn có thể được tìm thấy”, Viktor Grokhovsky, Giáo sư đến từ Đại học Liên bang Ural nói. “Dựa trên vị trí rơi xuống, các nhà khoa học sẽ mất một hoặc nhiều ngày để xác đường bay của thiên thạch”.

“Thiên thạch có đường kính không quá 10-15 mét và phần lõi là đất đá, không phải kim loại”, Natan Eysmont đến từ Viện Nghiên cứu Vũ trụ Nga nói trên TASS. “Thiên thạch như vậy rơi xuống Trái đất dễ dàng bị đốt cháy và không gây nguy hiểm”.