Dân Việt

10 loài động vật độc lạ "hot" nhất năm 2016

Bùi Hồng Liên 23/12/2016 06:30 GMT+7
Cua huỳnh đế, nữ hoàng cá lóc, cá trắm dài bằng thân người, bồ câu sư tử, cá mặt quỷ, gà nòi vảy rồng,... là những "nhân vật của năm 2016" trong giới động vật được bạn đọc Dân Việt quan tâm nhiều nhất trong năm qua.

Ngon Sạch Lạ xin được điểm lại 10 loại động vật thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của bạn đọc Dân Việt trong năm 2016 vừa qua:

img

1. Huỳnh đế - đệ nhất cua biển giá "chát"

 Là sản vật được vua chúa thời xưa chọn nên dĩ nhiên thịt cua huỳnh đế rất thơm ngon, được người tiêu dùng hiện nay vô cùng ưa chuộng dù giá khá đắt, khoảng 600.000 đồng/kg bán tận gốc.

img

 Cua huỳnh đế được ví là đệ nhất cua biển (Ảnh: Công Xuân/Dân Việt)

Khác với đồng loại bình thường có 2 càng và 8 chân, cua huỳnh đế chỉ có 6 chân và 2 càng. Qua quan sát, loài cua này khi trưởng thành có kích cỡ to bằng bàn tay xòe của người lớn, với trọng lượng khoảng 300 gram/con, tuy nhiên nhiều con nặng đến 1kg/con.

Cua huỳnh đế có mình nhìn khum tròn giống con bọ khổng lồ, với phần đầu hơi chúi xuống, vỏ màu đỏ hồng như chiến bào, mai hình vuông, càng và que ngắn, đầu cua dài. Nhiều ngư dân Quảng Ngãi cho biết, cua huỳnh đế thường sống ở những vùng biển nước khá sâu từ 100 - 300m, vì vậy việc săn bắt con đặc sản này khá khó khăn và nguy hiểm.

2. "Quái vật" cá trắm dài gần bằng thân người nặng 52kg

Một con cá trắm nặng đến 52kg được người dân bắt trên hồ Núi Cốc thuộc địa bàn xã Tân Thái (Đại Từ - Thái Nguyên). 

img

Theo người dân, vào thời gian trên người dân đã rất vất vả để có thể bắt con cá trắm và đã phải sử dụng phương pháp đánh cá bằng lưới úp (lưới sập) có diện tích lên đến 250m2 xuống mặt hồ. (Ảnh: Facebook)

Ngay sau khi người dân xác định lưới đã khống chế được con cá trắm trên, nhiều người đã cùng kéo con cá trắm lên bờ. Rất nhiều người dân trong vùng đã kéo đến hỏi mua nhưng một vị khách tại Hà Nội đã mua với giá lên đến vài chục triệu đồng.

3. Bồ câu sư tử khiến dân chơi “mê như điếu đổ”

Dù mới du nhập vào Việt Nam được 5-6 năm nay nhưng loài chim bồ câu kiểng mà đặc biệt là bồ câu sư tử có nguồn gốc từ nước Ý và bồ câu kèn Mỹ được giới sinh vật cảnh rất ưa chuộng. Đặc biệt có nhiều đại gia ở Hà Nội dám móc hầu bao hàng chục triệu đồng đầu tư vào mua nuôi 2 loại chim quý này.

img

Chú chim bồ câu sư tử nâu có bờm cổ rất to, dày thể hiện sự sang trọng, quý phái. (Ảnh: Trần Quang/Dân Việt)

Chim bồ câu kèn Mỹ có ngực và cổ giống như một cây kèn. Đây là loài chim cao cấp có giá tiền trên dưới 2 triệu đồng/cặp chim giống và hiện đang được rất nhiều khách ở các tỉnh ưa thích và mua thường xuyên. Điểm khác biệt ở chim bồ câu kèn Mỹ là phần lớn chúng đều có chân mọc lông dày và dài như đôi cánh của một chú chim bồ câu thường.

4. Cá mặt quỷ - đặc sản "nhìn phát ghê, ăn lại mê"

Cá mặt quỷ hay còn được gọi là cá mang ếch, cá mao ếch... có tên khoa học là Synanceia. Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi cho biết: "Cá mặt quỷ thường sống ở vùng nước cạn, đặc biệt là khu vực các gành đá, rạn san hô ven đảo như Lý Sơn có khá nhiều".

img

Cá mặt quỷ có thân hình xù xì, với lớp da thô ráp, loang lổ màu nâu đỏ lẫn màu rêu với nhiều vây sắc nhọn ở sống lưng...

img

Hình thù khá giống tảng đá nên cá mặt quỷ còn được người dân Quảng Ngãi gọi là cá đá. (Ảnh: Công Xuân/Dân Việt)

Chính vì thịt ngon và giàu chất bổ dưỡng nên cá mặt quỷ được bán tại Quảng Ngãi khoảng 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên theo ngư dân ở Lý Sơn - một trong số những nơi có cá mặt quỷ sinh sống, do số lượng không nhiều cho nên thi thoảng mới bắt được vài ba cân cá mặt quỷ. Đặc biệt vây lưng của loài cá là gai có mang độc tố nên nếu bị đâm vào sẽ gây tác động đến hệ thần kinh, tim...  nguy hiểm đến tính mạng.

5. Loài gà có chân chi chít vảy rồng

Đó là giống gà nòi vảy rồng (hay còn gọi là gà đá, gà chiến) có xuất xứ ở hai tỉnh Đồng Tháp và Bến Tre được dân chơi gà ở các tỉnh thành ráo riết săn lùng để cho tham gia các cuộc đấu gà. Gà vảy rồng có 2 dòng gồm dòng đá cựa và dòng đá đòn. Dân chơi gà các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thường chơi dòng gà đá cựa (cựa sắt). Thường các cuộc đấu gà thu hút rất nhiều người chủ yếu độ tuổi từ thiếu niên đến trung tuổi. 

img

Cận cảnh một “sát thủ” xám chuối chân xanh vảy rồng nặng trên 2kg được chủ một trang trại gà vảy rồng ở quận 7, TP.Hồ Chí Minh rao bán trên dưới 10 triệu đồng.

img

“Sát thủ” xám chuối chân xanh vảy rồng nặng trên 2kg có chân chi chít lớp vảy rồng. Chân gà vảy rồng càng có nhiều lớp vảy càng quý và có giá trị cao.

Gà vảy rồng giống có giá trên dưới 400.000 đồng/con.  Đặc biệt đối với những con trưởng thành từ 1,5 đến trên 2 năm tuổi, có mã đẹp giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/con. Hiện nay, gà vảy rồng đang được giới đấu gà săn lùng ráo riết, chỉ cần có hàng đẹp, thiện chiến họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua.

6. Trĩ trắng - loài chim tuyệt đẹp có tài giao phối "thiên hạ vô địch"

 Trĩ trắng có đuôi dài và nhỏ, chúng có màu sắc tuyệt đẹp và chất lượng lông tuyệt vời. Hiện nay số lượng chim trĩ trắng không nhiều, chủ yếu là phục vụ nhu cầu chơi cảnh. Không chỉ có màu sắc tuyệt đẹp và chất lượng lông tuyệt vời, chim trĩ trắng trống còn có khả năng giao phối “thiên hạ vô địch” trong các loài chim.

img

Chim trĩ trắng chủ yếu sống tại các khu vực miền bắc Việt Nam, ngoài ra còn có ở rừng quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng), khu bảo tồn U Minh Thượng (Kiên Giang), khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên Huế). 

“Trong môi trường tự nhiên một chim trĩ đực thường quản lý và giao phối với rất nhiều chim mái. Với bản tính rất hăng về dục vọng, một chim trĩ trống có thể đạp liên hồi nhiều chim trĩ mái trong một thời gian ngắn. Chúng tôi đã quan sát và ghi nhận lại có những thời điểm chỉ trong thời gian chưa đầy 5 phút một chim trĩ đực đã đạp liên hồi tới 4 lần / 3 chim mái”, một người nuôi chim cho biết.

7. Gà Đông Tảo chân to kỷ lục 

Sở hữu đôi chân phình to như phích nước, chú gà Đông Tảo của anh Hồng ở Bình Dương được nhiều khách trả giá trên 50 triệu đồng nhưng anh không muốn bán mà muốn giữ lại làm kỷ niệm và nhân giống.

img

Anh Hồng cho biết, anh may mắn mua lại được con gà Đông Tảo quý lúc gà được khoảng 5 tháng tuổi của một anh bạn ở cùng tỉnh vào năm 2015.

Đến nay gà của anh đã được 14 tháng tuổi, nặng 7,4kg. Đặc biệt, chú gà của anh sở hữu đôi chân khổng lồ có trọng lượng lên đến trên 1kg/chân. “Đây là một con gà giống Đông Tảo rất quý hiếm, có đôi chân to kỷ lục. Từ ngày tôi nuôi được nó có nhiều người đến xem và trả giá trên 50 triệu đồng nhưng tôi không muốn bán mà muốn giữ lại làm kỷ niệm và nhân giống thêm gà nữa mới bán” – anh Hồng chia sẻ.

img

Anh Phương, một đại gia gà Đông Tảo nổi tiếng ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết: “Với hàng chục năm kinh nghiệm nuôi và nhân giống gà Đông Tảo, tôi chưa từng thấy ở địa phương và các tỉnh trong cả nước có con gà Đông Tảo thuần chủng nào có chân to và khủng đến thế. Đây là con gà Đông Tảo có đôi chân to kỷ lục Việt Nam hiện giờ” – anh Phương khẳng định.

8. Nữ hoàng của loài cá lóc 

Mới vào Việt Nam chưa lâu, song cá lóc nữ hoàng (hay còn gọi là nữ hoàng của các loài cá lóc có tên tiếng Anh là channa aurantimaculata) đang khiến dân chơi cá ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mê mẩn săn lùng ráo riết.

img

Cận cảnh con cá lóc nữ hoàng size 70cm có xuất xứ Ấn Độ là loại cá có size lớn và quý hiếm nhất có giá lên đến cả nghìn đô/con. 

Cá nữ hoàng khác biệt với cá hoàng đế ở màu sắc. Trong khi cá lóc hoàng đế có màu chủ đạo là xanh hoặc xanh dương thì màu chủ đạo của cá nữ hoàng lại là màu vàng. Ngoài ra, đuôi cá lóc hoàng đế có màu đỏ cam, còn cá lóc nữ hoàng không có sắc này.

Về môi trường sống, thức ăn… thì các loài cá lóc này đều như nhau, đều sống ở môi trường nước có nhiệt độ từ 18 – 30 độ C và khi nuôi trong bể không cần thay nước thường xuyên như nuôi các loài cá khác nên rất nhàn

9. “Lực sĩ leo núi” bò vàng được trả giá trăm triệu

Bò vàng (bò Mông) được ví như những “lực sĩ leo núi” bởi chúng có thân hình săn chắc, to lớn, có khả năng leo núi trong mọi địa hình để tìm kiếm thức ăn. Nhờ vận động nhiều mà thịt bò vàng cũng dai và thơm ngon hơn bất kỳ một loại thịt bò nào được nuôi tại Nghệ An.

img

Đặc điểm dễ phân biệt nhất là bò cơ bắp phát triển, có màu vàng nhạt hoặc vàng đậm, mắt he, chân nhỏ, không quá cao. Bò vàng địa phương hiện nay chỉ có trọng lượng khoảng 150 - 250 kg/con. (Ảnh: Lê San/Dân Việt)

Bò vàng được người Mông ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) nuôi từ rất lâu. Theo ông Hờ Bá Xồng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Huồi Tụ, giống bò vàng này còn được gọi là “bò Mông” vì nó đã theo chân người Mông từ những cuộc thiên di từ phương Bắc xuống cách đây 200 năm về trước. Giống bò này được ví như những “lực sĩ leo núi” bởi chúng có thân hình săn chắc, to lớn, có khả năng leo núi trong mọi địa hình để tìm kiếm thức ăn.

10. Hổ mang chúa “vô địch” ở trại rắn lớn nhất Việt Nam

Trại rắn Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang) được mệnh danh là “vương quốc các loài rắn của Việt Nam”. Tại đây có tới hơn 400 loài rắn các loại, trong đó có những loài cực độc và quý hiếm, nhiều loài nằm trong sách đỏ.

img

Theo trung tá Vũ Ngọc Lương - bác sĩ chuyên khoa 1- PGĐ trại Đồng Tâm cho biết, đây là con rắn hổ mang chúa lớn nhất, sống lâu nhất từ trước đến nay ở trại. Trong suốt 18 năm được nuôi, rắn hổ mang chúa này cho nọc độc kỷ lục với 72 lần được 72 ml nọc độc.

Con rắn hổ mang chúa này đã 72 lần cho nọc độc, số nọc này sau khi điều chế làm huyết thanh trị rắn cắn có thể đủ cho cả Việt Nam dùng trong hơn 2 năm.

Trung tá Lương cho biết, thức ăn của hổ mang chúa chủ yếu là rắn mối, cóc và các loài rắn khác. Mỗi tuần, các hổ mang chúa “khủng” được cho ăn 2 lần, số lượng thức ăn bằng 20% trọng lượng cơ thể của chúng. Nếu tính lượng thức ăn của rắn hổ mang chúa đang được làm tiêu bản thì số lượng con mồi của nó cũng đã cả ngàn con.