Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank huyện Củ Chi.
Theo giới chuyên gia tài chính, việc hạ lãi suất huy động lần này của các ngân hàng là nhằm giúp giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường tài chính ngày càng khốc liệt dịp cuối năm.
“Nóng” cuộc chiến... lãi suất
Mới đây nhất, Ngân hàng BIDV quyết định điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 0,3% xuống 0,2%. Ngoài ra, với tiền gửi kỳ hạn 36 tháng cũng được nhà băng này điều chỉnh giảm 0,2 điểm % lãi suất, từ 7,0% xuống 6,8%. Tương tự, Agribank cũng có đợt điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán từ 0,5% xuống 0,3%. Sacombank cũng có sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động với các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng và 3 tháng tại nhà băng này đều giảm 0,1%, tương ứng với mức 4,9% và 5,2%. Tuy nhiên, ở kỳ hạn dài từ 15-36 tháng lại được điều chỉnh tăng 0,2% lên 7%.
Trong khi đó, VietCapital Bank vốn liên tục tăng lãi suất từ đầu năm nhưng đến thời điểm hiện tại cũng có sự đảo chiều. Cụ thể, nhà băng này vừa áp mức lãi suất huy động giảm 0,05% đối với kỳ hạn 1-5 tháng; giảm 0,1% với các kỳ hạn 13 và 18 tháng.
Còn tại Đông Á, mức lãi suất tại kỳ hạn 1-2 tháng là 4,4%/năm; kỳ hạn 3-4 tháng giảm 0,2% về lần lượt 4,8-4,9% so với thời điểm cuối tháng 9.
Một điều dễ nhận thấy, việc hạ lãi suất lần này đa số chỉ tập trung ở các ngân hàng có thị phần và tình trạng thanh khoản khá tốt. Ngược lại, một số nhà băng khác thì lãi suất lại có chiều hướng tăng. Chẳng hạn, tại VIB gần đây lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 3-5 tháng, 6-11 tháng đều tăng 0,5% lên lần lượt 4,9%, 5,1% và 5,6%; kỳ hạn 2 tháng tăng 0,65% lên 4,9%; lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài 24-36 tháng cũng tăng 0,8%.
PVcomBank cũng mới công bố tăng lãi suất huy động, trong đó lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại PVcomBank tăng 0,2% lên 7,5%. Tương tự, BaoVietBank cũng có lãi suất huy động tiết kiệm định kỳ kỳ hạn 11 tháng tăng 0,2%, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,1%.
Có hay không xu hướng đồng loạt giảm lãi suất?
Lý giải về xu thế đi ngược thông lệ hàng năm của lãi suất, một giảng viên của ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc các ngân hàng lớn có thanh khoản tốt đều giảm lãi suất đều có... mục đích cả. Cụ thể, theo giảng viên này, việc giảm lãi suất là để cơ cấu lại nguồn vốn huy động và cho vay hợp lý hơn. Ngoài ra, việc hạ lãi suất huy động cũng là cách có thể giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường tài chính ngày càng khốc liệt dịp cuối năm.
“Dù vậy, sẽ khó có xu thế đồng loạt giảm lãi suất ở các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ bởi thời điểm cuối năm áp lực huy động vốn là rất lớn”, giảng viên này nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất thị trường đang chịu nhiều áp lực lớn nên việc giảm lãi suất khó có khả năng trở thành xu hướng chung trên thị trường từ nay đến cuối năm.
Theo ông Tín, với đà tăng tỷ giá USD/VNĐ hiện nay, sự dịch chuyển tiền gửi từ tiền VNĐ sang USD có thể tiếp tục diễn ra, từ đó có thể gây áp lực lên thanh khoản tiền đồng tại các ngân hàng. Khi đó, các ngân hàng có thể phải xem xét điều chỉnh tăng lãi suất tiền VNĐ đủ mức hấp dẫn để chặn đứng làn sóng này lại.
Kế đến, lạm phát bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại mạnh mẽ và có khả năng sẽ vượt mức mục tiêu 5% của NHNN. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ thận trọng hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ và xu hướng hạ lãi suất thời gian gần đây nhiều khả năng sẽ dừng lại.
Ngoài ra, các áp lực đến từ thị trường tài chính thế giới khi hầu hết các dự báo đều cho rằng FED (Ngân hàng Trung ương Mỹ) sẽ tăng lãi suất lên 0,5 - 0,75%/năm. Việc tăng lãi suất này sẽ tạo áp lực rất lớn lên tỷ giá USD/VNĐ và từ đó càng làm cho lãi suất thị trường tại Việt Nam tăng lên; Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là từ 18 – 20%/năm trong khi tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới chỉ đạt 14,7%...