Tàu ngầm siêu nhỏ Type A Nhật Bản từng đánh lén Mỹ ở Trân Châu Cảng.
Theo National Interest, vài giờ trước khi hàng trăm chiến đấu cơ Nhật cất cánh từ tàu sân bay tấn công Trân Châu Cảng, một nhóm các tàu ngầm siêu nhỏ đã bí mật luồn lách qua lớp phòng thủ để đánh chìm thiết giáp hạm Mỹ.
Để có thể giành chiến thắng chớp nhoáng ở Trân Châu Cảng, mục tiêu hàng đầu của Nhật chính là các thiết giáp hạm. Nhiệm vụ này được giao cho hải quân Nhật bằng cách sử dụng các tàu ngầm siêu nhỏ.
Ở thời điểm đó, Nhật Bản bí mật chế tạo các tàu ngầm Type A Kō-hyōteki (Target A). Chỉ có lượng giãn nước 46 tấn, khoang lái vừa cho hai người, tàu ngầm được trang bị sẵn hai ngư lôi 450 mm với đầu đạn nặng 362 kg.
Tàu ngầm Type A có thể đạt đến vận tốc 41 km/giờ khi lặn nhưng không thể lặn sâu quá 100 mét. Tàu ngầm này không có động cơ và hoạt động hoàn toàn bằng pin. Ở tốc độ 10 km/giờ, Type A hoạt động liên tục được 12 tiếng.
Nhật Bản cần một tàu ngầm lớn để đưa tàu Type A đến sát mục tiêu. Lường trước được giới hạn về năng lượng khó có thể cho phép các tàu ngầm siêu nhỏ trở về, mỗi tàu còn được trang bị thuốc nổ 136 kg, đóng vai trò như thiết bị tự hủy.
Vì kích thước quá nhỏ nên điều khiển tàu ngầm hướng đến được mục tiêu không phải là điều dễ dàng. Hai thủy thủ thường xuyên phải di chuyển lên trên hoặc xuống dưới để tạo ra sức nặng giúp cân bằng con tàu.
Một trong những tàu ngầm Type A được đưa về trưng bày ở Mỹ.
Ngày 19.10.1941, Nhật Bản cải tiến 5 tàu ngầm siêu nhỏ, giúp cải thiện khả năng điều khiển và tránh bị mắc phải lưới chống tàu ngầm. Quá trình thử nghiệm diễn ra bí mật tránh sự chú ý của đối phương.
5 tàu ngầm này chính là lực lượng tiên phong trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Ngày 25.11.1941, các tàu ngầm C-1 nhận nhiệm vụ mang theo 5 tàu ngầm siêu nhỏ Type A hướng đến nơi Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đóng quân.
Trên hành trình, thủy thủ Nhật nhận được thông điệp tấn công từ Tokyo vì không tìm được giải pháp ngoại giao với Mỹ.
Ngày 6.12.1941, 5 tàu ngầm Type C-1 đến địa điểm cách Trân Châu Cảng 19 km. Từ nửa đêm đến 3 giờ 30 sáng ngày hôm sau, mỗi tàu bắt đầu thả một tàu ngầm siêu nhỏ.
Đối với các thủy thủ Nhật trên 5 tàu ngầm Type A, việc áp sát thiết giáp hạm Mỹ không hề dễ dàng, vì lối vào cảng chỉ sâu 19 mét trong khi lưới chống tàu ngầm Mỹ rải khắp nơi đã bao trùm đến 10 mét. Trên mặt nước là các tàu khu trục Mỹ ráo riết tuần tra với sự hỗ trợ của máy bay chống ngầm.
Tàu ngầm Type A không đem đến thành công cho hải quân Nhật.
Theo kế hoạch, các thủy thủ chỉ có 24 giờ để thực hiện nhiệm vụ, phóng ngư lôi và hướng ra đảo Lanai ở Hawaii. Tại đó, những người sống sót sẽ được tàu hải quân Nhật đón về.
Tuy nhiên, kế hoạch không diễn ra như dự kiến. Trong số 5 tàu ngầm Type A tiến sâu vào Trân Châu Cảng, chỉ một tàu ngầm duy nhất có thể phóng ngư lôi tấn công. 4 tàu còn lại đều bị hải quân Mỹ phát hiện và phá hủy.
Thủy thủ Kazuo Sakamaki là người duy nhất sống sót do kịp nhảy ra khỏi tàu ngầm bị hư hại nặng. Sáng ngày 7.12.1941, binh sĩ Hawaii phát hiện Sakamaki trôi dạt vào bờ và thủy thủ này trở thành tù nhân người Nhật đầu tiên bị Mỹ bắt giữ trong Thế chiến 2.
Số phận của tàu ngầm Type A thứ 5 vẫn còn gây tranh cãi đến ngày nay. 10 giờ 40 phút tối ngày 7.12.1941, thủy thủ trên tàu ngầm Type C-1 bắt được tín hiệu, thông báo đã phóng ngư lôi thành công. Ngay sau đó là thông điệp mô tả tàu ngầm không còn có thể điều khiển.
Có khả năng tàu ngầm này đã phóng hai ngư lôi nhằm vào thiết giáp hạm USS Oklahoma và USS West Virginia. Bức ảnh chụp từ máy bay ném bom Nhật vào lúc 8 giờ sáng cho thấy, ngư lôi lao đến tàu USS Oklahoma mà không có dấu hiệu của việc được thả xuống từ trên không.
Cuộc tấn công bất ngờ ở Trân Châu Cảng được đánh giá là chiến thắng không trọn vẹn của đế quốc Nhật.
Thiết giáp hạm Mỹ chìm xuống biển ngay khi trúng ngư lôi chỉ có thể giải thích là do bị ngư lôi có sức công phá lớn hơn từ tàu ngầm siêu nhỏ phá hủy.
Cuối cùng, đợt tấn công trên bầu trời đã hoàn thành nốt công việc mà các tàu ngầm Nhật Bản thất bại. Máy bay Nhật đánh chìm 3 thiết giáp hạm Mỹ, gây hư hại 5 tàu khác, phá hủy 188 máy bay trên mặt đất và khiến cho 2.403 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Trận Trân Châu Cảng kết thúc với chiến thắng không toàn vẹn của Nhật vì không thể khiến cho hạm đội Mỹ tê liệt. Đợt ném bom không gây thiệt hại cho cơ sở sửa chữa và kho chứa dầu, giúp Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ phục hồi sức mạnh nhanh chóng.
Bên cạnh đó, không một tàu sân bay nào của Mỹ có mặt tại Trân Châu Cảng khi đó. Vì các thiết giáp hạm bị thiệt hại nặng nề nên Washington chuyển hướng sang học thuyết phát triển tàu sân bay và gặt hái thành công trong chiến thắng quyết định ở trận Hải chiến Midway vào tháng 6.1942.
Ngoài Trân Châu Cảng, hải quân Nhật sau này còn sử dụng tàu ngầm siêu nhỏ cho nhiệm vụ tấn công trải dài từ Úc đến Alaska và Madagascar nhưng không gặt hái được nhiều thành công.