Husam Najjair – một thành viên cấp cao của lực lượng chống chính phủ Libya, cho biết, lo ngại lớn nhất của ông là khả năng nội bộ phe nổi dậy sẽ trở mặt với nhau khi họ giành kiểm soát hoàn toàn thủ đô Tripoli, chứ vấn đề lại không phải nằm ở những lời đe dọa của lực lượng trung thành với Đại tá Muammar Gaddafi.
“Điều đầu tiên mà nhóm tôi sẽ làm là thành lập ngay những trạm kiểm soát, tước bỏ vũ khí của tất cả mọi người, bao gồm cả những nhóm nổi dậy khác. Nếu không làm vậy, chắc chắn sẽ có một cuộc tắm máu tàn khốc xảy ra”, Najjair nói.
Ai sẽ thay thế Gaddafi? |
“Tất cả các nhóm nổi dậy đều muốn chiếm lấy Tripoli. Giữ gìn kỷ cương, trật tự là điều cần thiết”.
Bình luận của Husam Najjair đã chỉ ra câu hỏi nhức nhối nhất cho cả xã hội Libya, trong bối cảnh cuộc nội chiến ở quốc gia này có vẻ như đang đi tới hồi kết.
Câu hỏi đó là: Liệu đã có một nhân vật nào đó đủ sức lãnh đạo Libya khi chế độ Gaddafi sụp đổ?
Tới thời điểm này, câu trả lời là “Không có ai!”.
“Chưa có gương mặt thủ lĩnh nào được tất cả thành viên phe nổi dậy tôn trọng. Đó là một vấn đề”, Kamran Bokhari – Giám đốc cơ quan tình báo toàn cầu STRATFOR ở Trung Đông, nhận xét.
Thủ lĩnh nổi bật nhất của phe nổi dậy lúc này là Mustafa Abdel Jalil – Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp dân tộc (NTC). Tổ chức này bao gồm nhiều cựu bộ trưởng chính phủ và các thành viên kỳ cựu của đảng đối lập. Họ là những đại diện cho nhiều hệ tư tưởng khác nhau: chủ nghĩa dân tộc A-rập, chủ nghĩa Hồi giáo, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa thế tục.
Abdel Jalil là cựu Bộ trưởng Tư pháp Libya, và là một nhân vật thường xuyên được nhắc tới. Ông từng giới ngoại giao Mỹ được ca ngợi như một “nhà kỹ trị thông thái”.
Tuy nhiên, theo quan điểm của phần lớn thành viên phe nổi dậy, một gương mặt “mới tinh”, không có bất kỳ mối liên hệ gì với chính quyền Gaddafi mới có thể đem lại cho họ cảm giác tin tưởng tuyệt đối. Nói cách khác, họ không muốn nhìn thấy bóng dáng của chế độ Gaddafi ở nơi chính quyền mới.
Thu Thảo