“Nghệ nhân” Lê Hàm cho biết, năm nay thời tiết không thuận lợi, những ngày mùa đông mà nắng nóng như ngày hè khiến việc chăm đào thất thốn thêm phần vất vả. Cũng như mọi năm, số lượng đào sản phẩm trong vườn đào Lê Hàm không mấy thay đổi. Trên diện tích vườn trồng 1.000m2, ông Hàm thu hoạch được hơn 70 gốc đào thất thốn đẹp, giá bán dao động thấp nhất 10 triệu đồng/cây, cho đến vài chục triệu.
Phòng ủ đào thất thốn lắp điều hòa của “Vua đào” Lê Hàm
“Yếu tố thời tiết ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều chỉnh cây đào bung hoa đúng Tết. Mới đây, để tác động vào cây đào đạt hiệu quả tốt nhất ông Hàm đã đưa các gốc đào đạt chuẩn vào kho, sử dụng 2 máy điều hòa để “ủ đào”.
Hàng ngày, ông Hàm phải túc trực ở vườn đào theo dõi sát sao “hơi thở” của từng gốc đào quý. Chỉ cần nhiệt độ môi trường thay đổi theo thời điểm khác nhau, lập tức ông Hàm điều chỉnh nhiệt độ trong phòng ủ đào thích hợp.
Hơn 20 năm gắn bó, thành danh với đào thất thốn nhưng mấy ai biết với nghệ nhân tài hoa Lê Hàm, luôn hiếm hoi những giấc ngủ tròn vẹn. Công việc chăm sóc đào chiếm hầu hết thời gian của ông. Đã có lúc thấy chồng vất vả quá, vợ “nghệ nhân” đã khuyên chồng từ bỏ cây đào thất thốn. Vậy nhưng, với ông Hàm loài “đào vua” thất thốn đã là một phần như máu thịt.
Những gốc đào quý được đưa vào phòng ủ chăm sóc, theo dõi sát sao chờ Tết đến bung hoa khoe sắc.
Ông Hàm chia sẻ, thất thốn là giống đào đẹp, quý giá mỗi thốn cành (độ dài bằng một đốt ngón tay) có thể nở 7 bông hoa. Không ai biết đích xác ai là người đầu tiên trồng giống đào “quý tộc” trên đất Nhật Tân. Người ta say đào thất thốn bởi vẻ đẹp chẳng giống đào nào so bì kịp. Giống đào sù sì, rêu mốc, mỗi cành có 7 bông hoa, 3 chồi ấy có sức hút đến kỳ lạ.
Những ngày này, “Vua đào” Lê Hàm tất bật với công việc chăm đào
“Nghệ nhân” Lê Hàm trải lòng, đào thất thốn có đủ loại gồm cây ươm từ hạt, cho đến đào ghép cao, thấp đủ cả. Dáng thế đào phong phú. Để có một cây đào hột chơi được, người trồng ít nhất phải mất 15 năm ươm trồng, chăm sóc.
Khi nghe chúng tôi hỏi, vì sao say mê đào thất thốn đến mất ăn mất ngủ, ông tủm tỉm nói vui rằng, ông là một “người khùng”, chỉ có kẻ khùng như ông mới bỏ ra gần 20 năm tìm tòi “bí quyết” “nịnh” đào thất thốn ra hoa đúng Tết.
Ông Lê Hàm bên những gốc đào quý, sản phẩm của một năm vất vả
Thế rồi, sau câu nói vui, ông lại từ tốn giải thích, sinh ra trên mảnh đất bao đời cha ông sống chết với nghề trồng đào, tình yêu cây đào nói chung là một mạch ngầm chảy suốt trong trái tim Lê Hàm. Ông chỉ là người nối tiếp những cảm hứng bất hủ khắc tạc trên những gốc đào cổ, chứa đựng tinh túy tài hoa, trí tuệ của tổ tiên…
Đào thất thốn của “nghệ nhân” Lê Hàm khoe sắc Tết Bính Thân 2016 (Ảnh NVCC).
Sau một năm vất vả chăm bẵm, chưa đầy 2 tháng nữa, những cây đào thất thốn của “nghệ nhân” Lê Hàm sẽ bung hoa khoe sắc đón Xuân, phục vụ những người yêu loài hoa đào có vẻ đẹp bậc nhất…
Tuổi thơ gắn liền với những gốc đào, nhưng đến năm 1993, Lê Hàm mới dấn thân vào nghề trồng đào và lựa chọn theo đuổi cây đào thất thốn. Lao tâm khổ tứ gần 20 năm, mãi đến năm 2009, Lê Hàm mới tìm ra bí quyết thuần phục loài đào quý theo ý mình. |