Nhiều người xem một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên qua tivi tại nhà tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc.
Triều Tiên đã phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân tới lãnh thổ Mỹ, một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc nói với trang DefenseTech.com. Mặc dù vậy, Bình Nhưỡng vẫn chưa thể giải quyết vấn đề cách ly nhiệt, khiến đầu đạn nổ trong bầu khí quyển trước khi bay tới mục tiêu.
Đầu năm nay, Triều Tiên tuyên bố nước này đã phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động mới có tên KN-14 và sau đó giới thiệu nó tại lễ duyệt binh vào tháng 10. Bình Nhưỡng cũng khẳng định thử nghiệm thành công vật liệu cách ly nhiệt cho tên lửa, nhưng quan chức quân sự Mỹ chưa thể xác nhận công nghệ này đã được sử dụng.
Theo quan chức Lầu Năm Góc, Mỹ coi đe dọa từ Triều Tiên đủ nghiêm trọng để chuyển giao một số quyền chống vũ khí giết người hàng loạt từ Bộ Tư lệnh chiến lược sang Bộ Chỉ huy tác chiếc đặc biệt liên hợp.
Nhà phân tích quốc phòng Nga Vladimir Khrustalev cho biết thông tin chi tiết về khả năng của KN-14 không được tiết lộ, nhưng phần lớn các chuyên gia đều đồng ý rằng những tuyên bố của Triều Tiên có cơ sở nhất định.
“Phần lớn chuyên gia ước tính tầm bắn tối đa của tên lửa mang theo đầu đạn hạn nhân là khoảng 5.500 đến 6.500 km, trong khi nó có thể di chuyển với vận tốc 12.000 km/giờ”, ông Khrustalev nói với trang Lenta.ru.
Chương trình tên lửa của Triều Tiên có thể trở thành một vấn đề đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, theo Tướng Curtis M. Scaparrotti, cựu Tư lệnh của Lực lượng vũ trang Mỹ tại Hàn Quốc và hiện là Tư lệnh cao nhất của NATO. Ông cho rằng tỷ phú Trump sẽ xem xét khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa hạt nhân.
Chuyên gia Khrustalev cũng nhận định rằng chương trình tên lửa của Triều Tiên có một mục đích khác không liên quan tới đầu đạn hạt nhân, đó là chương trình khám phá vũ trụ.
Liệu chương trình khám phá vũ trụ của Triều Tiên có thực sự khiến Mỹ quan ngại? Điều này không thể loại trừ, một cựu Tư lệnh quân đội Mỹ khác tại Hàn Quốc, Tướng Walter Sharp nhận định.
Ông Sharp tin rằng Mỹ phải phá hủy bất cứ tên lửa nào của Triều Tiên ngay trên bệ phóng, bởi vì Washington không biết chắc chắn tên lửa mang theo vệ tinh hay đầu đạn hạt nhân. Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa không phải là vấn đề lớn với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, bao gồm THAAD tại Hàn Quốc và hệ thống Aegis trên các tàu chiến Mỹ ở khắp Thái Bình Dương.