Dân Việt

Cú ngã “vàng” đẩy ông Trần Phương Bình vào vòng lao lý?

Trần Giang 11/12/2016 10:12 GMT+7
DongABank từng có thời kỳ “ăn nên làm ra” nhưng bất ngờ giảm mạnh trong vài năm gần đây và bị NHNN đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ 8.2015. Cùng với đó là quyết định bắt và khởi tố ông Trần Phương Bình, nguyên tổng giám đốc ngân hàng này. Đâu là nguyên nhân khiến ông Bình bị đẩy vào vòng lao lý?

img

DongABank bị kiểm soát đặc biệt sau cú ngã vì vàng và đây có thể là nguyên nhân đẩy ông Trần Phương Bình vào vòng lao lý?

Trước khi ông Bình bị bắt, DongABank từ là ngân hàng “ăn nên làm ra” và nằm trong top 3 ngân hàng cổ phần lớn, ngang ngửa với ACB và Sacombank. DongABank cũng từng là ngân hàng Việt Nam duy nhất nằm trong mối quan tâm của CitiBank (một ngân hàng lớn của Mỹ) trong năm 2006 – 2007.

Phía CitiBank cử một đoàn chuyên gia 60 người dày dạn kinh nghiệm từ Trung Quốc và các nước khu vực sang thương lượng với DongABank. Cuộc “hôn nhân” lẽ ra đã có thể kết thúc tốt đẹp nếu DongABank chấp nhận giá chào mua 48.000 đồng/cổ phiếu của CitiBank, chứ không phải mức 60.000 đồng/cổ phiếu mà họ đòi hỏi.

Trong hoạt động kinh doanh, DongABank không chủ trương mở rộng mạng lưới, mà tập trung “đào sâu cuốc bẫm” mảng bán lẻ với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cho đến ngày bị kiểm soát đặc biệt, họ có 7 triệu khách hàng, con số mà nhiều ngân hàng cổ phần mơ ước…

Tuy nhiên, DongABank đã bắt đầu tụt dốc không phanh hoạt động kinh doanh từ năm 2012 cho đến thời điểm bị kiểm soát đặc biệt. Đã có nhiều đồn đoán quanh việc DongABank bị cú ngã bất động sản. Tuy nhiên, câu chuyện của DongABank chính là vàng.

Báo cáo tài chính năm 2014 cho thấy DongABank đã phải để lại 26.520 tỷ đồng vốn huy động cho dự trữ bắt buộc và dự phòng thanh khoản. Đây là số tiền rất lớn, vì theo quy định, các tổ chức tín dụng chỉ phải để lại 10 – 15% cho dự trữ bắt buộc và dự phòng thanh khoản. Nguyên do của số tiền này là DongABank đã “trượt chân” vì kinh doanh vàng và không loại trừ khả năng kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài.

DongABank là một trong 5 ngân hàng được tham gia “chiến dịch vàng” nhằm bình ổn thị trường nội địa và họ được phép kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài. Chưa kể DongABank có cổ đông tổ chức là Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện nắm giữ 7,7% vốn điều lệ, nên việc kinh doanh vàng có một số điểm thuận lợi. Tuy nhiên thị trường vàng quốc tế khốc liệt và chỉ cần một vài phán đoán sai về xu hướng, sự trả giá trở nên không thể cứu vãn được.

Cũng từ đó, DongABank tuột dốc không phanh. Từ một ngân hàng ở đỉnh cao phong độ, lãi sau thuế gần nghìn tỷ đồng vào năm 2011, sau 3 năm con số này lần lượt trượt dốc mạnh và lãi chưa đầy 35 tỷ đồng kết thúc năm 2014.

img

Lợi nhuận của ngân hàng giảm chủ yếu do thu nhập lãi thuần. Từ năm 2011 đến năm 2013, thu nhập lãi thuần của DongABank chỉ giảm dần đều mà bắt đầu đứt gãy mạnh vào năm 2014 khi kéo từ 2.227 tỷ đồng cuối năm 2013 về 1.483 tỷ đồng.

Một chi tiết khác, đường biểu thị lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cũng dốc đứng khi giảm kỷ lục từ 2.105 đồng cuối năm 2011 xuống còn 54 đồng vào cuối năm 2014. Hơn nữa, hai năm qua, cổ đông DongABank không được nhận cổ tức.

img

Đáng lo ngại hơn, nợ xấu đã gia tăng đột biến từ mức 1,69% (năm 2011) lên 3,95% (năm 2012). Đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức 3,99%. Năm 2014, nợ xấu của ngân hàng này không được công bố, nhưng theo nhiều nguồn tin thì tỷ lệ này đã dâng ở mức cao.

img

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015, ông Trần Phương Bình đã hé lộ khả năng tham gia của CTCP Tập đoàn KiDo (Kinh Đô) trong đợt tăng vốn sắp tới bằng cách phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược là Kinh Đô.

Nếu Kinh Đô tham gia, DongABank có lẽ đã khác và có thể ông Trần Phương Bình cũng không vướng vào vòng lao lý. Thực tế, Kinh Đô đã không bỏ ra số tiền mặt lớn (khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng) để trở thành cổ đông lớn của một ngân hàng có nhiều bất ổn về tình hình tài chính.

Do không khắc phục được, ngày 14.8.2015, NHNN buộc phải đưa DongABank vào diện kiểm soát đặc biệt do có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của ngân hàng này.

Ngày 9.12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công An (C46) đã tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với một số cán bộ nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó Tổng giám đốc DongA Bank và 3 nhân viên có liên quan.