Hợp tác xã nuôi cá đặc sản đầu tiên của tỉnh
Tôi có 2 lần gặp gỡ và làm việc với ông Phạm Thanh Bình. Lần 1 là khi ông làm Trưởng thôn Bình Thuận, xã Thái Hòa. Và giờ là lần 2, ông Phạm Thanh Bình với cương vị làm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa. Ông Bình cười cho hay, với lợi thế 9 km sông Lô chảy qua các thôn Soi Long, Hồng Thái, Ba Luồng, Bình Thuận... cả chục năm nay, nhiều hộ dân trong xã đã đầu tư phát triển chăn nuôi thủy sản, trong đó nuôi cá chiên lồng theo hướng hàng hóa. Từ liên kết nhóm hợp tác cùng phát triển ở thôn Bình Thuận, Ba Luồng do ông Bình làm trưởng nhóm. Đầu năm 2015, được sự động viên của lãnh đạo xã và Chi cục thủy sản tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, nhóm đã đứng ra chịu trách nhiệm nòng cốt để thành lập Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa. Đây cũng là hợp tác xã nuôi cá đặc sản đầu tiên của tỉnh.
Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa kiểm tra cá chiên nuôi lồng.
Hợp tác xã hiện có 10 thành viên, với 57 lồng nuôi cá, trong đó có 11 lồng nuôi cá bỗng, còn lại đều nuôi cá chiên. Ông Bình hiện có nhiều lồng nuôi cá nhất, với 15 lồng, rồi đến ông Trần Văn Vân 9 lồng. Các thành viên còn lại như Trần Công Đoan, Trần Công Đang, Nguyễn Văn Chung, Trịnh Văn Công... đều có từ 5 - 6 lồng nuôi nguyên cá chiên. Ngay như anh Nguyễn Văn Nam, thành viên trẻ nhất hợp tác xã cũng đã có 7 lồng cá chiên. Theo những người nuôi cá ở Thái Hòa thì chỉ cần có đủ kiến thức, kinh nghiệm, không nuôi con gì lãi lớn như nuôi con cá chiên. Theo tính toán, 1 con cá chiên giống trọng lượng 200 gram khi mua có giá 150 nghìn đồng, chỉ sau hơn 1 năm nuôi cá có trọng lượng từ 2,5 - 3 kg, giá mỗi kg cá chiên thương phẩm là 450 nghìn đồng/kg. Như vậy, chỉ sau 1 năm nuôi, 1 con cá chiên trừ chi phí lãi gần 1 triệu đồng. Mỗi lồng nuôi cá chiên chỉ sau 1 năm cũng cho lãi hơn 40 triệu đồng.
Hướng tới thương hiệu cá Chiên Thái Hòa
Người nuôi cá chiên ở Thái Hòa lâu nay vốn không phải lo đầu ra vì có sản phẩm đến đâu, các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh đến thu mua đến đấy, giá 450 nghìn đồng/kg. Song Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa vẫn có tham vọng xây dựng thương hiệu cá Chiên Thái Hòa, qua đó đưa đặc sản này vươn tới thị trường một số tỉnh miền Trung, miền Nam.
Ông Bình phấn khởi, dăm năm trước, ước muốn này của những người nuôi cá chiên Thái Hòa còn xa vời, thì giờ đã gần lại rồi. Tất cả là nhờ sự ra đời của các chính sách, cơ chế hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển sáu loài cá đặc hữu, trong đó có cá chiên. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và 100% kinh phí đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản; quảng bá, tham gia hội chợ xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm thủy sản.
Sau khi thành lập, Hợp tác xã được Chi cục Thủy sản tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên hướng dẫn các thủ tục, trình tự xây dựng thương hiệu. Hiện Hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành các yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ, chỉ còn điều kiện về chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và chứng nhận nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Các thành viên trong hợp tác xã bảo, thật ra chứng nhận cho đủ thủ tục thôi, chứ cá chiên ở Thái Hòa lâu nay vốn đã được nuôi đúng tiêu chuẩn VietGAP rồi, vì con cá này ngoài ăn cá nhỏ tự nhiên, không ăn bất cứ loại thức ăn công nghiệp này, thậm chí không dùng bất cứ loại thuốc thú y nào.
Song băn khoăn đối với các thành viên trong Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa là vấn đề con giống. Để có được nguồn cá giống chất lượng, sạch bệnh, các thành viên trong hợp tác xã phải đặt hàng tại Trung tâm Thủy sản tỉnh, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I Bắc Ninh. Mặc dù hiện nay Trung tâm Thủy sản tỉnh đã sản xuất được giống cá chiên, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi. Ngay như gia đình ông hiện vẫn còn 2 lồng trống chưa có đủ cá giống để xuống lồng.
Vấn đề môi trường nuôi cũng là điều khiến người nuôi cá ở Thái Hòa băn khoăn. Theo ông Trần Công Đoan, hiện nay tình trạng sử dụng kích điện vẫn xảy ra khá thường xuyên tại khu vực thả lồng bè của người nuôi cá ở Thái Hòa. Kích điện không gây chết cá trong lồng bè nhưng gây ra tình trạng gãy xương sống cá, những con cá này thương lái không thu mua, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Để hạn chế tình trạng này, người nuôi cá lồng ở Thái Hòa đặt thêm các ống tre dài bao bọc quanh khu vực lồng bè để hạn chế tình trạng thuyền của các đối tượng kích điện lại gần.
Hợp tác xã cũng phân công anh Đoan làm nhiệm vụ kiểm soát viên, không chỉ kiểm soát vấn đề dịch bệnh, con giống, anh còn kiểm soát vấn đề an ninh quanh khu vực đặt lồng nuôi cá của các thành viên. Tuy nhiên, cái cốt lõi là phải lôi kéo được sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành liên quan, từ thôn đến xã, huyện và lực lượng chức năng, có như vậy mới xử lý triệt để tình trạng này.