Người trồng đào đang phải tưới nước hằng ngày để giúp cây phát triển ổn định dịp cận Tết Nguyên đán 2017.
Đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) nổi tiếng khắp cả nước bởi màu sắc bắt mắt và sự đa dạng về kiểu dáng. Mỗi dịp Tết đến, làng lại cung cấp ra thị trường hàng triệu gốc đào để phục vụ người dân chơi Tết.
Theo khảo sát của PV ngày 11/12, thời điểm còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2017, các chủ vườn đào ở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) đang gấp rút tuốt lá, tạo dáng cho cây.
Có một điểm chung mà người trồng đào đánh giá năm nay, đó là thời tiết quá khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, ít mưa nên đào phát triển kém, ít mắt hoa.
Đang tưới nước trong vườn đào 400 gốc của gia đình, bà Nguyễn Thị Tân cho biết, khoảng tháng 8 hằng năm, trời thường bắt đầu có mưa nhưng năm nay từ tháng 8 đến giờ, hầu như không có mưa. Đào còi cọc, phát triển kém.
“Tưới nước thường xuyên cũng không bằng trời có mưa vì tưới chỉ đủ ẩm ở trên bề mặt chứ không thấm sâu được xuống dưới. Tưới xong 1-2 ngày, nắng nóng, khô hanh, đất lại trắng ra. Nhựa cây sùi ra, không đủ chất dinh dưỡng để nuôi cây nên ít mắt hoa”, bà Tân chia sẻ.
Vườn đào Vĩnh Tiến phải tuốt lá lại lần 2 do thời tiết ấm nóng, tuốt xong cây nảy mầm trở lại.
Chủ vườn đào Vĩnh Tiến cũng chia sẻ, hàng trăm gốc đào trong chậu nhà chị tuốt lá từ 15 ngày trước, bây giờ lại đang nảy mầm trở lại do thời tiết ấm nóng.
“Làm đào này cứ như đánh bạc với thời tiết. Nếu gặp thời tiết thuận lợi thì trúng quả chứ không thuận lợi khéo mất Tết như chơi. Năm nay riêng cái khoản tuốt lá 2 lần là tôi đã tốn rất nhiều công sức và tiền thuê nhân công”, chủ vườn đào Vĩnh Tiến chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ với người trồng đào Nhật Tân, những người trồng quất ở Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang “méo mặt” vì nắng nóng. Một số nhà vườn phải cắt gốc, nhổ cây vứt đi.
Bà Trần Thị Hồng (cụm 4, Tứ Liên, Tây Hồ) chia sẻ, thời tiết năm nay khắc nghiệt, cây còi cọc không lên được. Hơn 200 gốc quất nhà bà đang vào thời kì tạo dáng, quả bắt đầu ương chín nhưng lá bị quắt, hơi úa vàng nhìn không bắt mắt.
“Đối với cây quất, mưa nhiều cũng không phải là tốt nhưng còn đỡ hơn là nắng nóng quá vì nắng cây không phát triển được. Mọi năm tầm này, gió mùa về thỉnh thoảng còn được trận mưa nhưng năm nay chưa thấy trận nào”, bà Hồng nói.
Ông Nguyễn Tiến Dũng (cụm 3, Tứ Liên, Tây Hồ) cho hay: “Tháng trước gió bấc thổi nhiều nên cây bị hại. Nhiều vườn đang xanh bị hỏng lá. Còn thời điểm khoảng tháng 8, tháng 9 thì lại bị ảnh hưởng của nắng nóng, hanh khô nhiều nên cây còi cọc, chậm lớn”.
Đánh giá về giá quất Tết năm nay, ông Dũng cho rằng không có nhiều thay đổi so với mọi năm. Những loại quất mini có giá khoảng 300.000 – 500.000 đồng/ chậu; quất dáng thông cao 1,25 – 2m giá dao động khoảng 800.000 – 2 triệu đồng/chậu, quất thế giá 3-5 triệu còn những loại quất “khủng”, thế “độc” giá có thể lên đến hàng chục triệu đồng.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương, nhiệt độ trung bình toàn quốc từ tháng 5-9/2016 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C. Trong đó, khu vực phía Bắc có nền nhiệt độ cao hơn khu vực phía Nam, riêng tháng 6, khu đồng bằng Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 2,5 độ C. Cục Quản lí Đại dương và Khí quyển quốc gia Hoa Kì cũng chỉ ra, 9 tháng đầu năm 2016 là giai đoạn ấm nóng kỉ lục không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Không loại trừ khả năng, năm 2016 sẽ phá vỡ kỉ lục năm 2015 để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử tính từ năm 1880 trở lại đây. |
Người trồng quất cũng dự đoán không trúng quả Tết do thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng cây.
Bà Hồng cho biết, nắng nóng làm cây quất còi cọc, chậm phát triển.
Nhiều cây quất hỏng bị cắt bỏ, vứt khô ở ven đường đi.