Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vàTổng thống Nga Putin
"Mặc dù Nhật Bản cần thực hiện vai trò của một thành viên nhóm G7 nhưng chúng tôi dĩ nhiên cũng phải theo đuổi các lợi ích quốc gia và việc tổ chức một cuộc họp cấp cao ở Tokyo không gặp bất cứ vấn đề gì", nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản tiết lộ với hãng tin Kyodo về cuộc họp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Nga Putin.
Theo đó, đầu tuần này, Nhật Bản đã chính thức công bố các cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm tuần này, 15.12. Trước đó, một cuộc họp khác sẽ được tổ chức tại Yamaguchi vào thứ Sáu, ngày 16.12.
Theo các nguồn tin ngoại giao, Washington đã bày tỏ sự không hài lòng đối với cuộc hội đàm song phương giữa ông Abe và ông Putin vào cuối tuần này thông qua các kênh ngoại giao trong tháng 11. Washington cho rằng, cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga - Nhật sẽ "gửi thông điệp sai lầm tới G7, làm mất sự đoàn kết của Nhóm trong việc gây sức ép với Moscow".
Tuy nhiên, chính quyền Nhật Bản đã bác bỏ quan ngại đó và nhấn mạnh rằng, chuyến thăm của ông Putin đến Nhật Bản cuối tuần này không nên bị quan trọng hóa vì nhà lãnh đạo Nga sẽ không diện kiến Nhật hoàng Akihito.
Mặc dù quan hệ Nga - Nhật gần đây đã được cải thiện kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên, 2 nước vẫn chưa giải quyết được những căng thẳng cố hữu liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Kuril thuộc quyền kiểm soát của Nga. Song gần đây, cả hai nước đã nỗ lực để nối lại các cuộc đàm phán an ninh và diễn tập cứu hộ hải quân chung - vốn bị đình trị sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, một động thái bị các đồng minh phương Tây của Nhật lên án và quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Trong bài phát biểu hàng năm vào ngày 1.12, ông Putin nói rằng ông muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn năng lượng. Đáp lại, ông Abe cũng đã từng nói rằng ông hy vọng các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt tranh chấp trên quần đảo Kuril sẽ có tiến triển đáng kể.
Trong khi đó, Mỹ xem sự ấm lên của mối quan hệ Nga -Nhật bằng con mắt lo ngại, vì Tokyo là đồng minh chính của Washington ở châu Á, và tình hình có thể trở nên không ổn định khi Mỹ dường như có thể có thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại. Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều lần bác bỏ các hiệp ước quốc phòng giữa Mỹ và Nhật Bản trong chiến dịch tranh cử, cũng như chống lại Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương.