Dân Việt

Bán cổ phần Vinamilk:"Cốc nước vơi một nửa hay đầy một nửa"?

Yên Thủy 13/12/2016 09:42 GMT+7
Dù thương vụ bán cổ phần của Vinamilk không được như kỳ vọng, song nhà tư vấn thương vụ này là VinaCapital lại có cái nhìn khá lạc quan.

img

Cụ thể, phiên đấu giá mua cổ phần Vinamilk (VNM) đã được tiến hành theo đó 2 nhà đầu tư là F&N Dairy Investments và F&N Manufacturing đã đấu giá thành công 78,4 triệu cổ phiếu VNM, tương đương với 5,4% cổ phần của Vinamilk, với mức giá bằng mức giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phần.

Như vậy, số tiền mà 2 công ty trên chi ra để sở hữu 5,4% cổ phần của Vinamilk là khoảng 11.286 tỷ đồng, tương đương khoảng 500 triệu USD.

Cả 2 công ty trúng giá đều thuộc sở hữu của Tập đoàn sản xuất đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N). Tập đoàn này hiện đang được kiểm soát bởi tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.

Trên góc độ là những nhà tư vấn thực hiện thương vụ này, VinaCapital nói rằng: “Cốc nước có thể một người xem là vơi một nửa, người kia xem là đầy một nửa”, thương vụ thoái vốn Vinamilk, theo VinaCapital, có thể coi là một thành công trong điều kiện kinh tế Việt Nam và tình hình chung hiện tại.

Theo công ty này, đây là deal lớn nhất Đông Nam Á trong năm 2016 và được thực hiện trong thời gian rất ngắn (2,5 tháng). Với mức giá 144.000vnd / cp thì đây cũng là 1 trong những thương vụ thoái vốn hiếm hoi tại Đông Nam Á có giá cao hơn thị trường – việc này phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư với VNM và doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong bối cảnh thị trường mới nổi đang rất không ổn định vì nhiều lý do chính trị/kinh tế mang tính toàn cầu. Mức giá này đã ngay lập tức mang lại lợi nhuận cho bên bán (SCIC) 6,7% trên giá thị trường (khoảng hơn 700 tỷ, với tỷ lệ mua 5,4%).

Ngoài ra, đây là 1 khoản đầu tư mới với dòng tiền mới đổ vào doanh nghiệp / thị trường, không phải là 1 khoản tái đầu tư từ lợi nhuận/cổ tức có sẵn trong nước.

Tuy nhiên, công ty này cũng cho rằng có ba điểm có thể làm tốt hơn. Thứ nhất là cần có nhiều thời gian để tập trung vào các nhà đầu tư quốc tế. Thứ hai là cần kỹ thuật bán vốn theo thông lệ quốc tế - book building. Và thứ ba, thủ tục ký quý/đặt cọc cần được thực hiện bằng ngoại tệ để linh hoạt hơn cho các nhà đầu tư.

Về giá, thời điểm báo cáo nghiên cứu được công bố thì giá cổ phiếu VNM giao dịch trên thị trường bình quân 3 tháng đạt trên 150.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu VNM. Mức giá tối thiểu mà SCIC đưa ra phản ánh những giá trị cơ bản của công ty.