Dân Việt

Làm gì để hành động tử tế không phải là... chuyện hiếm?

Mới đây, cư dân mạng và cả công chúng truyền thông không khỏi trầm trồ thán phục vì hành động của một em học sinh ở Hải Phòng. Trên đường đi học về bằng xe đạp điện, cậu lỡ tông vào một chiếc ô tô đang đỗ làm vỡ gương xe và đã viết mảnh giấy để lại: "Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi ạ! Liên lạc với cháu theo số điện thoại để cháu đền ạ! (Do cháu không biết chủ ô tô là ai). Số điện thoại: 0949xxxxxx".

Hay trong những công trình đang thi công trên đường tại nhiều địa phương, người ta bắt gặp một số biển báo rất ân cần, cầu thị: “Do công trình đang sửa chữa nên có làm phiền người dân, xin thông cảm bỏ qua”, “Mong mọi người đừng khó chịu về công trình này. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành sớm nhất”, “Thành thật xin lỗi vì sự bất tiện này”,...

Những câu nói tưởng chừng như bình thường (trách nhiệm của nhà thầu) nhưng lại chất chứa nhiều điều tử tế. Tiếc là những hình ảnh đáng quý như vừa nêu trên ngày càng ít đi đến mức nó trở thành chuyện hiếm. Vì thế mà có chuyện để truyền thông đăng tải. Bởi nếu nó quá đỗi bình thường, chứ không bất thường, thì đâu cần phải đưa tin.

img

Lời xin lỗi của cậu bé ở Hải Phòng. Ảnh: Internet

Thật ra, những điều tử tế tương tự như trên không phải là hiếm ở một số quốc gia trên thế giới. Đơn cử là Nhật Bản. Người ta thiết kế những chiếc tủ bán hàng hoa quả không người quản. Chủ nhân là những người làm việc ở cơ quan. Họ trồng những nông sản sau nhà rồi đặt vào xe tự động để bên đường gần nhà mình. Hàng hóa có niêm yết giá rõ ràng. Khách đến mua chỉ việc chọn món hàng mà mình ưng ý rồi tự giác đặt tiền vào giỏ. Chiều đi làm về, chủ nhân thu dọn cửa hàng di động của mình và kiểm tra tiền bạc. Và thường thì không mất một xu nào, kể cả nông sản. Sở dĩ họ làm thế vì tranh thủ thời gian kiếm thêm thu nhập và hơn hết vẫn là niềm tin ở mọi người.

img

Cậu bé lỡ tông vào xe ô tô và để lại mảnh giấy xin lỗi chủ nhân của chiếc xe. Ảnh: Internet

Nói chi đất nước xa xôi như Nhật Bản, ngay cả quốc gia láng giềng như Campuchia cũng rất nhiều hình ảnh tử tế đáng để chúng ta học hỏi. Là người thường xuyên công tác bên Campuchia, ít nhiều tôi cũng hiểu rõ lối sống của họ. Vì đất nước chỉ phụ thuộc vào du lịch nên tác động đến sự tử tế. Nhưng cũng vì thế họ đã hình thành nên phong cách tử tế làm hài lòng du khách.

Đã nhiều lần xe chúng tôi lỡ va quẹt xe tuk tuk của các bác tài người Campuchia, chưa kịp nói lời xin lỗi thì họ đã vội vàng chắp tay nói tiếng Khmer “Sohm-toh” (xin lỗi), hoặc nói bằng tiếng Anh “I'm sorry” (tôi xin lỗi). Khi đến các khu di tích lịch sử danh thắng như quần thể Angkor, Tonlé Sap, Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng... dù người dân bản địa được ưu tiên nhưng họ vẫn nhường cho du khách mua vé trước.

Những ví dụ vừa nêu cho thấy, sự tử tế “quá bình thường” đối với các nước bạn. Riêng ở nước ta, trở nên hiếm đi khi con người bị chi phối rất nhiều vấn đề trong xã hội. Sự vô cảm lên ngôi khi ngày càng nhiều người thích hung hãn đánh nhau, làm chuyện xấu rồi bỏ trốn, không tự nhận trách nhiệm hoặc lấp liếm để phớt lờ, che đậy cái xấu... Vậy nguyên nhân nằm ở đâu?

Có rất nhiều lý do dẫn đến nhạt nhòa sự tử tế, trong đó phải nói đến giáo dục. Chắc chắn cậu bé ở Hải Phòng sống trong một môi trường giáo dục đàng hoàng, gia đình cậu dạy dỗ con cái tuyệt vời nên cậu bé mới sống có trách nhiệm với bản thân như thế. Đó là tấm gương cho nhiều học sinh trên cả nước phải noi theo. Hay những công nhân chủ động ghi biển báo xin lỗi ngay công trình đang thi công gây khó khăn cho người tham gia giao thông, cũng chắc chắn rằng họ là những người sống có đạo đức, trách nhiệm với xã hội. Đây là tấm gương để người lao động, tiểu thương noi theo (kinh doanh có đạo đức).

Cũng có một số người vẫn sống tử tế nhưng dè chừng, không cởi mở khi bước ra ngoài xã hội vì họ sợ sẽ xảy ra những điều phiền phức. Như thấy cái ác không dám tố cáo vì sợ bị trả thù, ngả theo cái xấu để không bị cho là khác người, thấy tai nạn không dám ra tay giúp đỡ vì sợ bị làm chứng...

Vì vậy, để vực dậy sự tử tế vốn dĩ đã có trong tim mỗi người thì cần phải được uốn nắn từ nhỏ. Cây non nếu không uốn sẽ bị cong quẹo, ngã theo những cơn gió độc. Phụ huynh phải là người là tấm gương sáng của con bằng việc sống tử tế mỗi ngày, cho con thấy giá trị của sự tử tế là như thế nào. Nhà trường cần đưa những hình ảnh tử tế vào trường học, làm những ví dụ minh họa để học sinh tiếp nhận, thấm nhuần và được kích thích, từ đó nhận thức một việc làm tử tế luôn đẹp. Hãy thử tưởng tượng, khi chúng ta có một hành động, nghĩa cử đẹp thì bao giờ trong lòng ta cũng dâng trào một cảm xúc yêu thương khó tả. Kể cả người nhận được sự tử tế ấy, tim cũng lâng lâng mãn nguyện, dù đôi khi lúc đó bạn đang giận dữ. Đó là bởi vì yêu thương, tử tế là liều thuốc tiên giúp con người xích lại gần nhau hơn.