Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tỏ ý rằng ông không có ý định nhận báo cáo tình báo hàng ngày sau khi nhậm chức, phá vỡ truyền thống mà tổng tư lệnh Mỹ đã thực hiện kể từ thời Chiến tranh Lạnh, theo NYTimes.
Báo cáo hàng ngày cho tổng thống Mỹ (PDB) là một bản tóm tắt thông tin tình báo và phân tích cấp cao về các điểm nóng toàn cầu và mối đe dọa an ninh quốc gia của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia. Trong khi cộng đồng tình báo đưa ra nhiều báo cáo và đánh giá, PBD được viết riêng cho tổng thống và các cố vấn hàng đầu của ông.
PDB được điều chỉnh để phù hợp với mối quan tâm và cách tiếp nhận thông tin của mỗi tổng thống. Đôi khi báo cáo đi sâu vào một câu hỏi cụ thể mà tổng thống yêu cầu hoặc những thông tin mà người soạn báo cáo tin rằng ông cần phải biết, chẳng hạn như báo cáo ông Bush nhận tại Texas vào tháng 8/2001 rằng Osama bin Laden có ý định tấn công Mỹ. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, ông Bush đã thêm một mục được gọi là "ma trận mối đe dọa", trong đó liệt kê chi tiết hơn về các kế hoạch khủng bố tiềm tàng.
Theo ông Obama, báo cáo đã có thêm những chủ đề mới, trong đó có bản cập nhật định kỳ về tấn công mạng chống lại Mỹ. Hình thức báo cáo cũng biến đổi. Ví dụ, ông Bush thích nghe báo cáo trực tiếp đi cùng với văn bản, trong khi ông Obama thích đọc trên máy tính bảng.
Nguy cơ
Một số cựu quan chức tình báo cấp cao cho rằng việc nhận báo cáo mỗi ngày là không thực sự cần thiết, đặc biệt là nếu ông Trump trao quyền hành lớn cho cấp dưới. Nhưng họ nhấn mạnh rằng báo cáo thường xuyên vẫn rất quan trọng vì nó hữu ích trong một cuộc khủng hoảng gấp gáp, vì tổng thống cần có cơ sở kiến thức để ứng phó, chẳng hạn cần hiểu lối suy nghĩ của các nhà lãnh đạo và khả năng quân sự của các nước khác.
Ngoài ra, tổng thống còn có thể chất vấn người soạn báo cáo về những vấn đề mâu thuẫn, những câu hỏi và sự việc dẫn đến việc hình thành cơ sở cho các quyết định an ninh quốc gia quan trọng nhất - những điều chỉ có tổng thống mới có thể làm.
Matt Olsen, cựu giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia, nói rằng "việc tổng thống nhận báo cáo tình báo là rất quan trọng, nếu không phải hàng ngày thì cũng phải gần như thế", thay vì chỉ kiểm tra định kỳ.
"Dù có để cho các nhân viên theo dõi thông tin tình báo thay mình thì tổng thống vẫn là người ra quyết định cuối cùng, và những quyết định đó có thể đẩy người Mỹ vào nguy hiểm", ông nói.
Vì sao PDB có vẻ nhàm chán?
Một lý do khiến PDB có vẻ nhàm chán là cộng đồng tình báo có lối viết khuôn mẫu và lặp đi lặp lại, ông Andrew Liepman, cựu quan chức Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nói. Còn theo ông Michael Morrell, cựu phó giám đốc CIA, một lý do khác có thể là ông Trump đang được cung cấp PDB được soạn cho ông Obama.
"Báo cáo được viết với sự hiểu ngầm rằng người đọc đã có hiểu biết sâu rộng về vấn đề", vì ông Obama đã là tổng thống trong 8 năm, ông Morrell nói. "Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi ông Trump nhìn vào chúng và nghĩ: 'Thật là kỳ lạ'", cựu quan chức nói thêm.
Nếu suy đoán này là đúng thì người soạn báo cáo phải có trách nhiệm làm cho PDB như một điểm xuất phát khơi dậy những cuộc thảo luận rộng hơn sẽ thu hút được ông Trump, Morrel nhận xét.
Trách nhiệm của người soạn là phải tìm ra cách báo cáo hiệu quả với ông Trump, để ông nhận ra giá trị của tình báo, ông Priess nói. Ông cho rằng họ nên cố gắng ngắn gọn và cô đọng hơn.
"Có thể ông ấy phù hợp với hình thức báo cáo như những bài đăng trên Twitter - ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, cho ông ấy biết ngay thông điệp cốt lõi mà không khiến ông có cảm giác bị coi là thiếu kiến thức hay nhận được những văn bản lặp đi lặp lại", ông đánh giá. "Đôi khi bạn phải tìm ra cách để khiến việc này thú vị hơn".