Dân Việt

Học sinh tát nhau bôm bốp gây xôn xao ngành giáo dục năm 2016

Diệu Thu 24/12/2016 00:25 GMT+7
Bạo lực (tát bôm bốp, đấm, đá…) không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn có cả bạo lực học sinh nữ gây xôn xao dư luận năm 2016.

Báo động bạo lực học đường

img

Hình ảnh nữ sinh tát bạn liên tiếp

Trong năm 2016, bạo lực học đường (tát, đấm, đá bôm bốp…) không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn có cả bạo lực học sinh nữ, theo nhóm, bạo lực theo phong trào khiến nhiều người lo ngại.

Dù không có thống kê cụ thể, nhưng ngay cả Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy, bạo lực học đường là có thật và có xu hướng gia tăng. Số sinh viên, học sinh có hành vi bạo lực, hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống chỉ là bộ phận nhỏ nhưng chính nó làm cho xu hướng đạo đức lối sống của một bộ phận có nguy cơ không kiểm soát được.

Về vấn đề bạo lực học đường, với trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Nhạ nhận trách nhiệm và đưa giải pháp đưa môn GDCD vào môn thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.

Chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam không đảm bảo

img

Nhiều người cho rằng, tiến sĩ ở Việt Nam đang "lạm phát"

Trong năm 2016, dư luận xôn xao về chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam và cho rằng, Việt Nam nhiều tiến sĩ nhưng trình độ không đúng tầm, đào tạo nhưng không dùng được. Ngoài ra, đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam vẫn chạy theo số lượng và hiện vẫn còn vấn đề “đạo văn” trong nghiên cứu, ăn cắp ý tưởng của người khác.

Trước tình hình này, Bộ GD-ĐT khẳng định, trong thời gian tới Bộ sẽ rà soát, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, sửa đổi quy chế đào tạo tiến sĩ dựa trên ý kiến của dư luận, siết chất lượng đầu vào và quy trách nhiệm của thầy hướng dẫn….

Thi trắc nghiệm Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia

img

Học sinh lo lắng vì lần đầu tiên thi trắc nghiệm Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia

Năm 2016, Bộ GD-ĐT “chốt” phương án thi THPT Quốc gia trong đó có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc thi trắc nghiệm môn Toán.

Hội Toán học Việt Nam kiến nghị giữ nguyên hình thức thi tự luận đối với môn Toán và đề nghị có cuộc đối thoại giữa hội và các cấp lãnh đạo có quyền ra quyết sách về vấn đề.

Ngoài ra, nhiều giáo viên cũng cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm làm mất khả năng sử dụng ngôn ngữ diễn đạt nhận thức của người thi. Những câu nào không làm được các em sẽ gạch bừa, học sinh học hời hợt, ảnh hưởng tới tư duy logic….

Tuy vậy, Bộ GD-ĐT khẳng định, với sự chuẩn bị từ trước cũng như kế hoạch cụ thể công việc sẽ thực hiện trong thời gian sắp tới, việc tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là hoàn toàn khả thi.

Lần đầu tiên Việt Nam có Phó giáo sư tuổi 32

img

Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2016 là ông Trần Xuân Bách (32 tuổi), giảng viên Đại học Y Hà Nội.

Theo đó, ông Trần Xuân Bách, sinh năm 1984, là người trẻ nhất được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2016. Ông công tác trong ngành Y học, hiện làm việc tại Đại học Y Hà Nội.

PGS Trần Xuân Bách chia sẻ: "Đây là cột mốc quan trọng, niềm vinh dự to lớn với bản thân và gia đình. Thành quả này có công ơn dạy dỗ của thầy cô, sự giúp đỡ của đồng nghiệp, đặc biệt là môi trường khoa học tích cực mà tôi nhận được ở Đại học Y Hà Nội”.

PGS Trần Xuân Bách cũng kỳ vọng lan tỏa niềm đam mê để nhiều thanh niên trẻ dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, hoặc vận dụng sáng tạo trong việc trau dồi chuyên môn để vững vàng khởi nghiệp.

"Nhận 1000 like đốt trường”

img

Nữ sinh đốt trường sau khi bạn bè thách đố trên facebook

Năm 2016, trên mạng xã hội cũng lan truyền clip với hình ảnh một cô gái đến trường, tưới nửa lít xăng xung quanh phòng y tế rồi châm lửa đốt trong sự hò reo, cổ vũ của bạn bè phía sau. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam xảy ra hành động kinh dị này. Cô gái trong clip được xác định sinh năm 2003 và đã nghỉ học.Trước đó, cô gái này nói trên facebook rằng nếu được 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường. Tuy nhiên, không ngờ số like nhanh chóng vượt mức 1.000.

Sau sự việc, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, người có hành động dại dột này đang ở lứa tuổi THCS, lứa tuổi có nhiều thay đổi tâm sinh lý và dễ bị tác động nên dễ bị lôi kéo vào những hành động dại dột, ngông cuồng. Ở giới trẻ thì luôn có tính “a dua” nên phải kiểm soát, chung tay hành động của gia đình, nhà trường và xã hội.

Thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung

img

Lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đưa ra Đề án thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3

Năm 2016, lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đưa ra Đề án thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3, có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này.

Có người cho rằng, giới trẻ muốn hội nhập cần giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, việc dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc trong trường phổ thông là lạc hậu. Vì vậy, Bộ GD-ĐT hãy tập trung phổ cập ngôn ngữ này, thay vì dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc.

Bộ GD-ĐT cho biết, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nga, Pháp, Nhật hoặc tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ hai, Bộ GD-ĐT không ép buộc học sinh phải học các ngoại ngữ này.

Lần đầu tiên có trường xét tuyển thạc sĩ

Bắt đầu từ năm học 2016-2017, ĐH Bách khoa Hà Nội được phép tuyển sinh thạc sĩ bằng hình thức xét tuyển. Trước thông tin này, có ý kiến bày tỏ không đồng tình nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nên để Đại học Bách Khoa làm thử.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, để cho phép trường ĐH Bách Khoa Hà Nội xét tuyển thạc sĩ, Bộ GD-ĐT đã xem báo cáo thống kê về điểm thi cao học của số sinh viên tốt nghiệp của trường. Vì thế, chất lượng đào tạo của ĐH Bách Khoa được nâng cao nên việc xét tuyển thạc sĩ không còn là vấn đề đáng lo ngại.