VinEco sẽ có những chính sách gì để thực hiện quyết định này và nông dân cần phải làm gì để nhận được “gói” hỗ trợ 300 triệu đồng của VinEco. Dân Việt xin ghi lại một số câu hỏi và ý kiến giải đáp của bà Vũ Tuyết Hằng- Tổng Giám đốc Công ty VinEco.
Bà Vũ Tuyết Hằng- Tổng Giám đốc Công ty VinEco
VinEco đã công bố quyết định đồng hành với 1.000 hộ nông dân, hợp tác xã để sản xuất nông sản an toàn. Vậy khi tạo ra chuỗi sản phẩm sạch thì vai trò của VinEco là gì, thưa bà?
- Vai trò của VinEco sẽ vừa là người sản xuất, vừa là người kết nối để đưa sản phẩm ra thị trường. Lợi thế của chúng tôi là, có đầu ra thông qua các hệ thống siêu thị có sẵn (Vinmart, Vinmart+). Do đó, khi nông dân làm việc với VinEco sẽ được cam kết về tiêu thụ sản phẩm, nên nông dân yên tâm với mục đích là tạo ra các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng.
Để liên kết như vậy, Vin Eco có những chiến lược gì về hỗ trợ nông dân?
- Thứ nhất, chúng tôi sẽ hỗ trợ về đào tạo kiến thức, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời kết nối bà con với những tổ chức liên quan đến thẩm định nông sản VietGAP.
Thứ hai, chúng tôi sẽ kiểm soát quá trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất.
Thứ ba, chúng tôi đảm bảo thu mua đúng quy trình, đúng giá cả những nông sản mà chúng tôi đã kí kết với nông dân một cách ổn định nhất.
Đặc biệt, nếu trong quá trình hợp tác, những hộ nông dân nào đạt chỉ tiêu cao về chất lượng cũng như số lượng nông sản thì chúng tôi sẽ có hướng hỗ trợ về vốn và kĩ thuật cao để phát triển sản xuất. Số kinh phí hỗ trợ dự kiến là, 300 triệu đồng đối với những hộ sản xuất đủ điều kiện, để mua sắm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, máy móc, giống…
Sơ chế rau mầm tại Công ty VinEco
Theo bà, trong quá trình thực hiện liên kết với nông dân, tVinEco có gặp những khó khăn gì không?
- Khó khăn thì rất nhiều. Bởi nông nghiệp Việt Nam đa số manh mún, nhỏ lẻ về quy mô, diện tích đất đai. Do đó, tính thường xuyên, chất lượng về sản phẩm ra thị trường chưa thật sự ổn định.
Ví dụ như hôm nay nông dân có thể thu hoạch ở thửa ruộng này, có rau để bán nhưng đến ngày mai thì không chắc còn rau để thu hoạch.
Khó khăn đầu tiên của chúng tôi chính là tập hợp hóa để liên kết các hộ sản xuất đơn lẻ lại thành một khối bền vững, có sự liên tục, ổn định trong sản xuất nông sản. Bên cạnh đó, ý thức của một số hộ nông dân sản xuất vẫn chưa thật sự cao trong việc tuân thủ như thế nào là sản phẩm sạch. Vì thế, về mặt quản lí, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, phải chia ra nhiều lớp để quản lí từ địa phương cho đến Tổng Công ty.
Theo công bố, bước đầu, VinEco liên kết với 1.000 hộ nông dân. Sắp tới VinEco có định mở rộng thêm đối tượng không và kế hoạch cụ thể thế nào?
- Trước mắt, VinEco đang phát triển mô hình 1.000 hộ nông dân, song hiện mới chỉ dừng lại con số 250 hộ, nên chúng tôi vẫn đang tích cực để làm đầy con số 1.000 hộ trong thời gian tới.
Với số vốn đầu tư lên tới 4.000 tỷ đồng vào nông nghiệp, VinEco cân đối lợi nhuận như thế nào?
- Riêng với những sản phẩm về nông nghiệp, Tập đoàn Vingroup vẫn đang hỗ trợ rất lớn về đầu vào. Do đó, chúng tôi đang hoạt động dựa theo tôn chỉ đem lại lợi ích cho xã hội, nâng cao đời sống người Việt trước khi chúng tôi nói đến vấn đề lợi nhuận.
Xin cảm ơn bà!
Xuất phát từ đâu, VinEco lại hướng đến việc liên kết với nông dân thay vì tự xây dựng một mạng lưới sản xuất hoàn toàn mới? - Chúng tôi cũng muốn lan tỏa ý thức về một tương lai nông sản sạch ra toàn quốc, xa hơn là xây dựng một nền nông nghiệp sạch. Từ đó, nông dân có thể tự chủ hơn về việc sản xuất và tiêu thụ nông sản. Có thể không phải chỉ VinEco mà cả một hệ thống tiêu dùng trong nước cũng sẽ được hưởng lợi từ nông sản sạch. |