Dân Việt

“Anh khắc tên chúng mình lên đây để thế giới biết rằng đây là tên 2 kẻ vô ý thức”

Nam Cường 15/12/2016 15:07 GMT+7
Xin được mượn một comment trên báo VnExpress về câu chuyện Cây đa di sản chi chit vết khắc để làm tít cho bài viết này. Khắc tên, vẽ hình trái tim, viết bậy… lên cây đa ngàn năm, là di sản của Việt Nam, những bạn trẻ, dẫu vô tình hay cố ý, đã tự khai mình cho mọi người, rằng chúng tôi là những kẻ vô ý thức. Với những hành động tàn nhẫn với thiên nhiên như thế, tình yêu của họ sẽ bớt phần lung linh…

img

Những cái tên được khắc lên thân cây đa di sản. Ảnh: Nam Cường

Ông Nguyễn Đức Vũ – Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng thừa nhận, khắc chữ lên cây là hành động không đẹp mà bất cứ điểm du lịch nào của cả nước cũng xảy ra, ở Sơn Trà có cái đặc biệt vì đó là cây đa ngàn tuổi, được công nhận là cây di sản.

“Đây là câu chuyện về ý thức của người dân tham quan du lịch, đặc biệt là giới trẻ. Họ vô ý thức thì không có cách gì quản nổi. Cây nằm giữa rừng, cả ngày chỉ có 2 bảo vệ, mà họ còn phải đi kiểm tra khắp bán đảo, giờ cao điểm mới bảo vệ cây đa” – ông Vũ nói.

Vâng! Sự thừa nhận của ông Vũ cũng chính là câu chuyện chúng tôi muốn nói đến: ý thức của giới trẻ. Khắc lên cây, hành động tưởng nhỏ, nhưng xét cho cùng, chuyện không hề nhỏ. Một cây đa hơn 800 tuổi, xuyên suốt nhiều thế kỷ, chứng kiến bao thăng trầm của thời đại, vật đổi sao giời, năm này qua năm nọ, dẫu bão tố phong ba, dẫu thiên nhiên khắc nghiệt, nó vẫn sừng sững và lớn lên. Cây đa như một chứng nhân lịch sử của thành phố bên sông Hàn, chứng kiến thành phố ra đời, lớn lên, đi qua từng năm tháng. Qua những đớn đau, thấy thành phố chuyển mình.

img

img

img

Không biết có còn chỗ nào trống trên thân cây nữa không? Ảnh: Nam Cường

Cùng với những Thành Điện Hải, nghĩa trũng Khuê Trung, bán đảo Sơn Trà… luôn là “địa chỉ đỏ” cần được bảo vệ, tôn tạo. Vậy mà, cây đa ngàn tuổi hôm nay chi chít những vết thương, sâu có, cạn có… với muôn hình vẽ, những câu yêu thương thề nguyện, những lời nói hận tình. 800 tuổi, cây đa hứng chịu tất cả hỉ, nộ, ái ố của biết bao người, đa phần là giới trẻ.

Vâng! Thưa quý anh quý chị. Tình yêu của quý anh, quý chị rất là đẹp; nỗi hận tình nào đó cũng rất là đau đớn, nhưng khắc lên cây như thế, tình yêu có đẹp lên hơn chút nào không? Nỗi hận tình trong lòng có vơi chút nào không? Chắc chắn không và ngược lại, nó sẽ bớt đẹp, bớt lung linh hơn rất nhiều.

Khi cầm dao (tôi đồ thế vì vỏ cây rất dày, tay không khó có thể rạch vỏ cây) đâm vào thân cây, rạch lớp vỏ, thấy nhựa cây long lanh ứa ra, tựa như những giọt lệ (thứ mà báo chí hay gọi là máu của rừng), vậy mà nhiều bạn trẻ vẫn đủ can đảm để khắc hình trái tim, viết lên những lời yêu thương, hay can đảm hơn là khắc tên mình lên đó, hẳn những người này đã tận cùng vô ý thức. Đừng nghĩ đây là việc nhỏ, vô cảm trước nỗi đau của cây cỏ đến vô cảm trước nỗi đau của con người có khoảng cách không lớn lắm.

img

Dường như tấm biển không có tác dụng với các bạn trẻ. Ảnh: Nam Cường

Tôi từng được theo chân một đoàn làm phim của nước ngoài đi bộ vào một khu rừng ở thượng nguồn sông Vu Gia (tỉnh Quảng Nam). Trên đường đi, họ hạn chế tối đa việc chặt cây nhỏ để dọn dẹp đường. Chỉ khi nào cây mọc chắn lối, bít đường họ mới rẽ lối, chặt một vài nhành nhỏ. Đặc biệt, lúc nghỉ ngơi giữa đường, một chàng phóng viên ngồi ngay gần tổ kiến. Với nhiều người, có thể họ đã xoa chân và dẫm chết kiến để tránh bị cắn, nhưng anh này chỉ phủi đi và trả lại sự yên tĩnh cho bầy kiến. Anh nói, chúng ta cần tôn trọng thiên nhiên, cho dù đó là những sinh vật nhỏ bé nhất. Một bài học tôi mãi không bao giờ quên.

Nhân nói chuyện ý thức, hẳn chúng ta không khỏi giật mình ngẫm lại sự thật đã lên tới mức báo động. Sự thật mà có những khi, trong chúng ta đây cũng không khỏi tự cảm thấy phải răn đe bản thân. Đời thủa nào trên tường lại có những dòng nhắc nhở: Cấm đái bậy; cấm viết bậy? Những góc khuất cắm bảng: không đổ rác. Cay nghiệt hơn, có những tấm bảng kiểu: Ai đổ rác ở đây là… đồ con chó. Ngay dưới tấm bảng, rác vẫn đầy ứ. Có lẽ những người đổ rác lén nghĩ rằng: tấm bảng với câu chửi đó không dành cho họ. Và như vậy, sự vô ý thức, mất liêm sỉ đã nâng lên tầm cao mới. Họ đã không còn tôn trọng chính mình.

img

Tán cây di sản che bóng mát cho những đoàn tham quan. Ảnh: Nam Cường

Đà Nẵng là thành phố tiên phong trong việc xử phạt sự vô ý thức. Theo đó, từ 7/2015, những hành vi vứt, thải, bỏ mẩu tàn thuốc lá không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng; phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với hành vi vứt, xả rác ra bãi biển. Riêng những người tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt từ 200.000 đến 300.000 đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Vũ cũng thừa nhận: Chỉ có thể nhắc nhở người khắc lên cây di sản chứ không có chế tài nào xử phạt được.

 “Chỉ còn trông chờ vào ý thức của người dân thôi” – ông Vũ nói. Trên tất cả, Ý THỨC – đó vẫn là điều quá xa xỉ trong một đại bộ phận hiện nay!