Dân Việt

Cú hạ cánh triệu USD xuống tàu hàng của tiêm kích Anh

Đăng Nguyễn - Air Space 16/12/2016 06:55 GMT+7
Tiêm kích Sea Harrier của hải quân Anh bay lạc trong một cuộc tập trận, khiến cho phi công buộc phải liều lĩnh hạ cánh xuống tàu chở hàng, trong khi nhiên liệu cạn kiệt.

Theo tạp chí Air Space, vào ngày 6.5.1983, thiếu úy Ian “Soapy” Watson (25 tuổi) tham gia vào nhiệm vụ diễn tập, mô phỏng điều kiện chiến đấu trong một cuộc tập trận của NATO thì sự cố hy hữu xảy ra.

Đây mới chỉ là nhiệm vụ thứ 14 của thiếu úy Watson, khi chuẩn bị cất cánh thẳng đứng trên chiếc Sea Harrier, từ tàu sân bay HMS Illustrious. Bay cùng thiếu úy Watson là một phi công chỉ huy dày dạn kinh nghiệm của Không quân Hải quân Anh (FAA). Nhiệm vụ của hai chiếc Sea Harrier trong cuộc tập trận là tìm kiếm tàu sân bay Pháp.

Giả định môi trường tác chiến thực, cả hai tắt radar và kênh liên lạc qua radio. Watson và người hướng dẫn bay ở độ cao thấp, tới khu vực chỉ định và tách khỏi đội hình.

Đạt đến độ cao nhất định, phi công được quyền bật radar để tìm kiếm tàu sân bay Pháp. Khi nhiệm vụ tìm kiếm kết thúc, Watson hạ độ cao và hướng đến địa điểm gặp chỉ huy.

img

Tiêm kích hạm Sea Harrier của Anh hạ cánh xuống tàu chở hàng.

Watson không hề biết rằng, phi công trẻ đã bay đến địa điểm khác so với kế hoạch vì hệ thống định vị trên máy bay bị sai lệch. Đây là sự cố thường gặp trên biển, nhưng do Watson mới thực hiện 3 chuyến bay trên tàu HMS Illustrious nên không có kinh nghiệm khắc phục.

Phi công chỉ huy đã cố gắng tìm kiếm và chờ đợi Watson, nhưng khi nhiên liệu cạn kiệt, người này phải một mình trở về tàu sân bay HMS Illustrious.

“Tôi đã thử tất cả mọi cách có thể trong máy bay”, Watson nói. “Từ radio, hệ thống radar cho đến kênh liên lạc khẩn cấp. Không hề có tín hiệu nào. Radar cũng không cho thấy bất kỳ thứ gì”.

Nắm được tuyến hàng hải ngoài khơi Bồ Đào Nha, Watson chuyển hướng bay về phía đông. Khi radar bắt đầu nhận diện mục tiêu, phi công vui mừng, nhắm về hướng đó để tìm sự giúp đỡ.

Ở khoảng cách 80 km, chiếc Sea Harrier đã gần cạn nhiên liệu. Chiếc Sea Harrier chỉ có thể bay trong vài phút nữa. Watson nhìn thấy tàu chở hàng Alraigo ở khoảng cách 19 km và cố ý tiến gần để thủy thủ đoàn nhìn thấy.

Kế hoạch của Watson là nhảy dù khỏi máy bay để chờ người trên tàu đến cứu. Không có cách nào liên lạc với tàu Alraigo, Watson thực hiện động tác bay thấp, ngay bên thân tàu để thu hút sự chú ý.

img

Chiếc Sea Harrier hạ cánh trên tàu chở hàng.

Phi công trẻ nhận thấy các thùng container trên tàu Alraigo tạo thành một sàn đáp vừa đủ cho chiếc Sea Harrier, tương tự những gì Watson từng được huấn luyện.

“Ở khoảnh khắc đó, tôi nghĩ ngay đến việc hạ cánh lên các thùng container”, Watson kể lại. Sea Harrier mà phi công Anh điều khiển là mẫu tiêm kích có khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng (SVTOL).

Nhưng mọi chuyện diễn ra không đơn giản như những gì Watson tính toán. Vừa đáp xuống dãy container, chiếc Sea Harrier bị tuột về phía sau vì trơn trượt. Máy bay trượt xuống theo tư thế mũi hướng lên trời và chỉ dừng hẳn khi phần đuôi đập vào một chiếc xe tải.

Thuyền trưởng tàu Alraigo từ chối bỏ dở hành trình để bàn giao chiếc Sea Harrier và phi công cho hải quân Anh. Chính phủ Anh chỉ nhận được thông báo Watson và chiếc máy bay sẽ đến Tenerife trong 4 ngày.

Đại diện hải quân Anh và các phóng viên đã chờ đợi sẵn ở cảng Santa Cruz de Tenerife. Yêu cầu bồi thường của tàu Alraigo được chấp nhận. Thủy thủ đoàn nhận 1,14 triệu USD (giá quy đổi hiện tại) vì giúp “giải cứu” tiêm kích Anh.

Ủy ban điều tra được thành lập để phân tích nguyên nhân xảy ra sự cố nhưng cuối cùng không đưa ra bất kỳ kết luận nào.

img

Hải quân Anh đã không còn sử dụng tiêm kích hạm Sea Harrier kể từ năm 2006.

Năm 2007, chính phủ Anh giải mật nhiều tài liệu của hải quân. Từ đó, bản báo cáo về sự cố với chiếc Sea Harrier năm 1983 mới được tiết lộ. Cụ thể, Watson mới chỉ hoàn thành 75% chương trình huấn luyện khi được đưa ra biển.

Ủy ban điều tra đổ lỗi cho Watson với lý do thiếu kinh nghiệm, chỉ huy đơn vị cũng bị phê bình vì sử dụng một máy bay “không sẵn sàng cho nhiệm vụ”, ám chỉ sự cố với radio.

Bản thân thiếu úy Ian "Soapy" Watson bị kỷ luật, chuyển sang công việc bàn giấy trong một thời gian dài, trước khi được bay trở lại. Watson cuối cùng vẫn có thể tích lũy 2.000 giờ bay trên chiếc Sea Harrier và 900 giờ bay khác với tiêm kích F/A-18 trước khi giải ngũ vào năm 1996.

Ngày nay, Watson nói sự chú ý quá mức của truyền thông khiến hải quân Anh mất uy tín và kỷ luật cựu phi công này nặng tay. “Đó chính là tôi. Tôi đã gây ra sự cố đó nhưng mọi chuyện nên dừng lại ở đó”, Watson nói năm 2008.