Nhiều bạn trẻ đang có xu hướng quan hệ tình dục sớm (ảnh minh họa)
Quan niệm về tình dục thông thoáng
Ông Nguyễn Quang Đại, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGĐ) cho biết, tuổi dậy thì và tuổi quan hệ tình dục lần đầu của vị thành niên và thanh niên có xu hướng trẻ. (hiện nay, tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở nam giới trung bình 18,2 và ở nữ giới là 18 tuổi).
Đại diện Vụ Pháp chế phân tích, trẻ quan hệ sớm do quan niệm về tình dục khá thông thoáng và không kiểm soát được, nhất là ở người đang có sự thay đổi tâm sinh lý.
“Đa số vị thành niên ngày càng có quan niệm hành vi thông thoáng về quan hệ tình dục. Họ cho rằng, quan hệ tình dục trước hôn nhân là chấp nhận được (44% số người được hỏi đồng tình”, ông Nguyễn Quang Đại chia sẻ.
Cũng theo ông Đại, những số liệu về tỷ lệ mang thai, phá thai, sinh con sớm ở tuổi vị thành niên cho thấy, xu hướng về mang thai, phá thai và sinh con sớm ở tuổi vị thành niên gia tăng đáng kể. Điều này có những tác động đến tỷ lệ tử vong bà mẹ và cho chính tương lai của vị thành niên và thanh niên.
Đáng lo ngại là các em có tư tưởng thoáng hơn trong quan hệ tình dục nhưng lại thiếu trầm trọng những kiến thức về tình dục và sức khỏe sinh sản nên đã có rất nhiều bạn trẻ nhận “trái đắng” mang thai ngoài ý muốn.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Trung tâm nam học, Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết, hiện nay tư tưởng của thế hệ trẻ về vấn đề quan hệ tình dục rất cởi mở, tuy nhiên nước ta việc giáo dục tình dục vẫn chưa thật sự tốt và chưa đầy đủ nên những hệ lụy của việc quan hệ tình dục trước hôn nhân xảy ra rất nhiều
Vì thế, các chuyên gia đề xuất cần cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên; chú trọng tới việc thay đổi thái độ của thanh thiếu niên với các vấn đề như tình dục và biện pháp tránh thai.
Mở miệng là… chửi thề
Không chỉ quan hệ tình dục thông thoáng, nhiều bạn trẻ còn cho rằng, những câu chửi thề, nói tục đang là “mốt” và là xu hướng chung ở lứa tuổi vị thành niên.
Trên thực tế, nhiều trẻ ở lứa tuổi vị thành niên chào nhau, lời mở đầu cũng bằng "con mặt này", "thằng mặt nọ"… thay luôn cho tên gọi. Không những thế, chỉ cần một nhóm bạn đi ngoài đường rú ga hoặc cười đùa hơi lố bịch thì ngay lập tức sẽ nhận được những lời nói theo kiểu “M. mấy đứa điên... ”. Thậm chí nhiều học sinh, còn văng tục, đệm lót, dùng những câu gọi lóng đến vô văn hóa. Họ gọi thầy, cô giáo đứng lớp dạy họ là “lão” ấy, “mụ” kia….
Chỉ cần ngồi vài phút ở một quán ăn vặt nào đó ở cổng trường thì có thể thấy từ khuôn miệng xinh xắn của các học sinh nam, nữ thốt ra hàng chục câu chửi thề trong câu nói của mình. Nhiều em, không câu nào nói ra là không văng bậy, thậm chí trong một câu, đệm hai ba lần nói tục là chuyện thường. Không những thế, cha mẹ, ông bà đều được các em lôi hết vào những câu chửi đệm của mình. Dù nhiều lời chửi tục của các em người nghe phải đỏ mặt, xấu hổ, khó chịu, nhưng vẫn được các em nói một cách rất tự nhiên, trôi chảy.
Theo các chuyên gia, ngoài việc “nhiễm” từ môi trường xung quanh, các em thường dùng những từ chửi thề, nói tục nhằm “đệm” để câu nói thêm thuyết phục, thêm phần cá tính mà không ý thức điều mình nói. Dần đần hình thành thói quen trong vô thức.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lí giáo dục Hà Nội cho rằng, trẻ con nói bậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do bắt chước từ người lớn trong cộng đồng, trong gia đình. Trẻ mặc nhiên được nghe như một điều bình thường, điều này ăn sâu vào tiềm thức của học sinh thì “lệnh cấm” trong nhà trường chỉ có thể ngăn ngừa một cách “cưỡng bức”, nó không lâu bền, thậm chí sinh ra tâm lí đối phó của học sinh.
TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất cần có những quy định cụ thể nơi công cộng, trong nhà trường, cơ quan, thậm chí có thể đề ra chế tài với các mức độ xử lý cụ thể.
“Thay vì hô hào không được nói tục, chửi bậy, mỗi nhà trường nên tổ chức các diễn đàn để các em thẳng thắn bộc lộ quan điểm về việc này. Khi các em nhận thức được hành vi của mình, thì chính các em sẽ có những điều chỉnh”, ông Lâm nói.