Dân Việt

Truy xuất nguồn gốc, thẳng tay loại bỏ nông sản giả danh đặc sản

Bùi Hồng Liên 16/12/2016 17:11 GMT+7
Hà Nội hiện là tỉnh thành tiên phong trên cả nước trong công tác xây dựng hệ thống minh bạch thông tin điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nông sản giúp người tiêu dùng có thể nhận diện nguồn gốc và an tâm khi sử dụng sản phẩm.

img

Một số sản phẩm an toàn đã được gắn mã QRcode sẵn sàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm

"Thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra liên tiếp các vụ giả danh đặc sản của các tỉnh miền núi phía Bắc như táo đá Hà Giang, hạt dẻ Trùng Khánh - Cao Bằng... Bản thân các cơ quan quản lý nhà nước có đặc sản cũng không nắm rõ diễn biến của thị trường, lại lúng túng trong việc xử lý thông tin...".

Đó là ý kiến của ông ông Nguyễn Sinh Cung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT tỉnh Cao Bằng) phát biểu tại buổi lễ Tổng kết chương trình phối hợp quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, phát triển chuỗi cung cấp thịt, rau an toàn cho TP.Hà Nội năm 2016, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017. Cũng theo ông Cung, tỉnh Cao Bằng thực sự rất cần cách hỗ trợ minh bạch thông tin để tránh những thông tin thất thiệt, gây hại cho nông dân sản xuất nông sản đặc sản vốn đang khó khăn về đầu ra, giá thành… 

Minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản là 1 trong 10 nội dung triển khai thành công về kết quả thực hiện chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn của Sở NN&PTNT Hà Nội trong năm 2016 vừa qua. Có thể nói trong ngành nông nghiệp cả nước, Hà Nội là tỉnh thành tiên phong trong công tác xây dựng hệ thống minh bạch thông tin điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nông sản giúp người tiêu dùng có thể nhận diện nguồn gốc và an tâm khi sử dụng sản phẩm.

Phát biểu tại Lễ tổng kết chương trình phối hợp quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, phát triển chuỗi cung cấp thịt, rau an toàn cho TP Hà Nội năm 2016, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Mặc dù thời gian triển khai chưa lâu nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ, tác động tích cực đối với người tiêu dùng Thủ đô được ghi nhận và đánh giá cao.

Thông qua hệ thống, công tác quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố được tốt hơn. Toàn bộ sản phẩm qua hệ thống đều là sản phẩm an toàn, có giấy chứng nhận chất lượng đầy đủ và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có sự cam kết của cơ sở sản xuất và phân phối.

Sau gần 1 năm triển khai, hệ thống này đã thực hiện dán mã QRcode cho 550 dòng sản phẩm của 5 cơ sở sản xuất tại 75 điểm trên địa bàn thành phố với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố, các đơn vị chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp. Hệ thống đã tích hợp được tính ưu việt về công nghệ thông tin, chuyển tải đầy đủ, đa dạng, việc sử dụng truy cập đơn giản, khả năng ứng dụng cao.

Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, Tết Nguyên đán Đinh Dậu đang đến rất gần là lúc nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, nông sản sạch tăng cao. Đây cũng là dịp để người làm ăn không chân chính lợi dụng, trà trộn sản phẩm không đảm bảo  an toàn thực phẩm (ATTP), không rõ nguồn gốc bán cho người tiêu dùng. Do đó đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực ATTP phải tập trung nguồn lực, tăng cường kiểm tra giám sát đảm bảo các nguồn hàng cung cấp cho người tiêu dùng trong dịp Tết đảm bảo ATTP, truy xuất được nguồn gốc, yên tâm khi sử dụng...